Thụy Sĩ xem xét 'phát cocaine cho người nghiện': Táo bạo hay rủi ro?

Thụy Sĩ đang xem xét áp dụng một chương trình thử nghiệm để phân phối cocaine theo toa cho những người nghiện ma túy với hy vọng rằng chương trình này có thể giúp họ đánh bại chứng nghiện ma túy 'crack' đang lan tràn như một đại dịch ở nước này.

Hợp pháp hóa để quản lý

Mặc dù biện pháp này đã được các nhà nhân đạo và chuyên gia ủng hộ trong một thời gian, nhưng cho đến nay, Ủy ban Liên bang về Nghiện và Phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm (EKSN) của Thụy Sĩ mới chính thức xem xét.

Crack cocaine - loại ma túy đang hoành hành ở Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu. Ảnh: Sky News

Crack cocaine - loại ma túy đang hoành hành ở Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu. Ảnh: Sky News

Phó Chủ tịch EKSN Christian Schneider nói với đài truyền hình nhà nước SRF hôm 19.6: “Những người tiêu thụ “crack” nhiều lần trong ngày sẽ bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn mua và hút”. Crack là một chế phẩm gây nghiện làm từ cocaine, được tạo thành ở dạng tinh thể nhỏ với thước cỡ như viên sỏi nhỏ, khi hút crack, chúng tạo ra những tiếng kêu lách tách, vì vậy người ta gọi là crack. “Ít nhất chúng tôi cũng gợi ý cách cung cấp cocaine cho những người nghiện ma túy nặng để họ có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn và từ từ hồi phục”, ông nói.

Ủy ban hiện đang xem xét việc thành lập các đội đặc biệt chịu trách nhiệm thăm khám cho những người nghiện ma túy, đồng thời cung cấp cho họ hỗ trợ y tế và trị liệu tâm lý. Quan chức này đề xuất, việc phân phối cocaine có kiểm soát cũng là một lựa chọn, ông viện dẫn phương pháp mà Thụy Sĩ từng áp dụng trong quá khứ nhằm đánh bại nạn dịch heroin bằng cách cung cấp ma túy hoặc methadone thay thế cho người nghiện.

Cùng với biện pháp này là việc Thụy Sĩ đang xem xét khả năng hợp pháp hóa cocaine. Những người ủng hộ kế hoạch hợp pháp hóa lập luận rằng việc đưa thị trường cocaine dưới sự kiểm soát của chính phủ có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như kiểm soát số lượng và chất lượng lưu thông, có khả năng giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến ma túy đường phố “không bảo đảm”.

Ngoài ra, quy định hợp pháp hóa cocaine của Thụy Sĩ có thể hạn chế khả năng tiếp cận của trẻ vị thành niên và cung cấp khuôn khổ cho các chiến dịch giáo dục cộng đồng tập trung vào việc sử dụng có trách nhiệm và giảm thiểu tác hại. Những người ủng hộ tin rằng một thị trường được quản lý có thể làm giảm sức mạnh của các tổ chức tội phạm thu lợi từ việc buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Crack Cocaine - mối nguy mới

Thụy Sĩ bắt đầu phải đối mặt với nạn lạm dụng cocaine ngày càng gia tăng vào khoảng năm 2020, với các sản phẩm ma túy giá rẻ ngập đường phố. Geneva bị ảnh hưởng bởi làn sóng nghiện crack đầu tiên, sau đó vấn nạn này lan sang một số thành phố lớn khác, bao gồm Basel, Zurich và Lausanne.

Những người buôn bán đường phố nhỏ có nguồn gốc châu Phi đến Thụy Sĩ từ Pháp đã góp phần rất lớn vào đại dịch crack đang diễn ra khi ma túy crack được bán với giá rẻ chỉ bằng một cốc bia. Thị trường ma túy bùng nổ cũng đã thu hút người nghiện từ các quốc gia khác. Chỉ 1/3 số người sử dụng ma túy ở Geneva được cho là người dân địa phương.

Camille Robert, đồng giám đốc một nhóm nghiên cứu chứng nghiện có trụ sở tại Geneva, cho biết vào tháng 3: “Một phần ba đến từ Geneva, một phần ba đến từ Pháp và một phần ba là người di cư”.

Trước vấn nạn này, một số thành phố đã phản ứng và thiết lập các dịch vụ bổ sung. Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang cũng đã kêu gọi tổ chức bàn tròn với các bang và thành phố.

Ông Schneider cho rằng Thụy Sĩ sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này trong thời gian dài sắp tới. Do đó, Ủy ban đang kêu gọi các cuộc điều tra về cách chăm sóc tốt nhất cho những người thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề để ngăn chặn những vấn đề nguy hiểm khác phát sinh.

Phương pháp gây tranh cãi

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đặc biệt chỉ trích ý tưởng này, cho rằng không có nghiên cứu khoa học vững chắc nào có thể biện minh cho một chương trình như vậy. “Hơn nữa, không rõ liệu chính quyền có thể xác định mức độ nhu cầu về loại ma túy crack của những người nghiện hay không”, chuyên gia về chứng nghiện Marc Vogel từ Phòng khám Tâm thần Đại học ở Basel nói với đài truyền hình SRF. “Vẫn chưa có bất kỳ đánh giá nào cho thấy việc phân phối cocaine có mang lại hiệu quả hay không”, ông nói.

Bài học trong quá khứ: Kê thuốc phiện cho người nghiện

Trong đề xuất thử nghiệm cung cấp cocain cho người nghiện crack, các quan chức Thụy Sĩ đã viện dẫn tới những biện pháp tương tự trong quá khứ. Thành phố Zurich của Thụy Sĩ luôn được coi là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Thế nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố có 400.000 dân này khét tiếng là trung tâm ma túy lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, họ đã xóa bỏ được hình ảnh xấu này một phần do áp dụng phương pháp táo bạo, đó là cấp heroin cho người nghiện.

Một bác sĩ trẻ tham gia vào việc điều trị cho người nghiện khi đó, người hiện là Giám đốc Trung tâm cai nghiện Arud, Thilo Beck cho biết: “Tất cả các biện pháp đều thất bại. Chính trị gia, cộng đồng doanh nhân và nhân viên xã hội đã phải ngồi lại và hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp”. Rõ ràng, các biện pháp duy trì trật tự và ngăn chặn không hiệu quả. Thay vì kết tội những người nghiện, những chính sách mới đã giúp họ tái hòa nhập với xã hội.

Một trong những biện pháp được coi là vôc cùng táo bạo là vào năm 1992, Zurich không cấm sử dụng methadone (loại ma túy hợp pháp có ưu điểm không tăng liều) đối với người dùng heroin trước đây từ chối điều trị. Ông Mark, nay đã 49 tuổi, là một trong những người nghiện được điều trị bằng methadone và có nhà ở nhờ một dự án xã hội. “Những chương trình này rất hiệu quả trong việc giúp mọi người không phải vật vờ trên đường phố” - ông nói.

Chỉ 2 năm sau, Zurich đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có các chương trình điều trị heroin cho người nghiện nặng trong thời gian dài mà các biện pháp thay thế khác đối với họ không hiệu quả.

Năm 1995, nhiều chính sách mới đã đưa tới kết quả thành công. Hệ thống hỗ trợ người nghiện bắt đầu hoạt động, cảnh sát và các dịch vụ xã hội, y tế hợp tác chặt chẽ. Cuối cùng, cảnh sát Zurich đã đóng cửa được trại nghiện cuối cùng ngay trong trung tâm thành phố.

Các dịch vụ như chương trình thay thế methadone và heroin hiện nay vẫn hoạt động. “Gần 70% người nghiện heroin ở Thụy Sĩ đang được áp dụng liệu pháp thay thế, đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới” - ông Beck nói. Hầu hết các bệnh nhân áp dụng liệu pháp thay thế ở Thụy Sĩ đều nhận được methadone, trong khi 8% (1.400 bệnh nhân) được nhận heroin. Trên thế giới, việc cấp phát heroin với vai trò là thuốc điều trị hiện còn gây tranh cãi nhưng lại được chấp nhận ở Thụy Sĩ và một vài nước châu Âu.

Dù Thụy Sĩ có trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa cocaine hay không thì việc họ cân nhắc cách tiếp cận triệt để này phản ánh cuộc đối thoại toàn cầu đang gia tăng về các chiến lược thay thế để giải quyết việc sử dụng và nghiện ma túy.

Quỳnh Vũ (Theo swissinfo)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thuy-si-xem-xet-phat-cocaine-cho-nguoi-nghien-tao-bao-hay-rui-ro--i376350/
Zalo