Thủy điện và hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng loạt xả nước
Trước diễn biển phức tạp của mưa lũ, từ hôm qua và hôm nay hồ chứa nước lớn nhất Thừa Thiên - Huế và thủy điện Bình Điền đồng loạt nhận lệnh điều tiết nước về hạ du.
Trưa 17/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện địa phương này đang tiếp tục có mưa lớn. Từ 07h ngày 15/10 đến 07h00 ngày 17/10 lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 100-200mm; một số nơi cao hơn như Bạch Mã 343mm, Tư Hiền, Phú Lộc 230mm.
Theo dự báo, từ ngày 17/10 đến hết 18/10 tại Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm.
Mực nước trên các triền sông lúc 7h ngày 17/10 cụ thể như sau: Sông Hương, tại Kim Long: + 0,92m, dưới báo động động I là 0,08m; sông Bồ, tại Phú Ốc: +2,09 m trên báo động I là 0,59m; đập Thảo Long: +0,62m; nực nước sông Ô Lâu, tại Phong Bình: +1,43m.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, từ 16/10, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch (hồ chứa lớn nhất tại địa phương này) qua tràn xả sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180-280m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu điều tiết tăng dần lưu lượng lúc 15h chiều 16/10.
Đến sáng 17/10, Ban Chủ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế tiếp tục ra thông báo về lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến từ 70m3/s - 200m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian tăng dần lưu lượng lúc 13h ngày 17/10.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị UBND các huyện, thị xã và TP Huế triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…).