Thủy điện Thác Mơ - 30 năm thắp sáng niềm tin
BPO - Bắt nguồn từ núi rừng cao nguyên, sông Bé có chiều dài hơn 350km chảy qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương trước khi hợp lưu vào sông Đồng Nai. Tuy không phải là dòng sông rộng lớn của đất nước, song với đặc điểm chảy qua nhiều núi đồi, thác ghềnh nên sông Bé có giá trị về năng lượng khá cao.
Từ những năm 1982-1983, tiềm năng phát triển nguồn thủy điện trên sông Bé và sông Đồng Nai đã được các chuyên gia trong ngành điện phát hiện. Tuy nhiên, kinh tế thời bấy giờ còn quá nhiều khó khăn, Việt Nam chưa thể đầu tư xây dựng ngay các công trình thủy điện trên sông Bé mà tập trung nguồn lực để xây dựng thủy điện Trị An.
Trước nhu cầu điện năng của miền Nam tăng cao, việc khai thác điện năng từ dòng sông Bé để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lại được tính đến.
Khai thác thủy năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 20-11-1991, sau tiếng nổ mìn vang dội một góc rừng chiến khu Phước Long xưa, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ được chính thức khởi công xây dựng trong vỡ òa niềm vui, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé thời bấy giờ.
Theo thiết kế, nhà máy có 2 tổ máy phát điện với tổng công suất 150MW, sản lượng 610 triệu kWh/năm. Ngoài nhiệm vụ phát điện, công trình còn là nguồn dự trữ nước quan trọng, bảo đảm an ninh nguồn nước, chủ động cấp nước về mùa khô và cắt giảm lũ cho vùng hạ du mùa mưa bão.
Niềm tin, kỳ vọng vào công trình thì rất lớn, tuy nhiên khi bắt tay vào xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình Thủy điện Thác Mơ gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Trong bối cảnh đó, Thủy điện Thác Mơ đã được lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương liên tục có mặt trên công trường chỉ đạo và động viên, khích lệ. Các đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là về tài chính và cơ chế để tiến độ thi công dự án không bị ngưng trệ, bởi dự án này được thực hiện trong giai đoạn khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã… Thủy điện Thác Mơ không còn sự chi viện giúp đỡ chí tình như Thủy điện Trị An, sông Đà trước đó.
Đổi hàng hóa lấy thiết bị nhà máy thủy điện
Ông Nguyễn Bá Mẫn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình Thủy điện Thác Mơ cho biết, lúc bấy giờ Chính phủ có chủ trương là ngoại tệ chỉ được giải quyết vào 3 việc, gồm: mua xăng dầu chung cho nền kinh tế - sắt, thép cho công nghiệp và phân bón cho nông nghiệp, ngoài ra, không được dùng ngoại tệ cho những việc khác, mà thiết bị thủy điện không có ngoại tệ thì không thể nào làm được vì đó là thiết bị đặc chủng, đồng bộ và hiện đại. Trong tình cảnh đó, khi biết được Nga, Ukraine cũng khủng hoảng mới nghĩ ra cách đổi hàng hóa để lấy thiết bị thủy điện. Đáng mừng là ý tưởng này đã được Chính phủ thuận chủ trương cho Thủy điện Thác Mơ áp dụng.
Cơ chế để mua thiết bị đã có lời giải, bài toán tiếp theo là nguồn nhân lực để thiết kế - xây dựng - vận hành. Ông Nguyễn Cường Lâm, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Thủy điện Trị An do Liên Xô thiết kế hết cho tới bản vẽ thi công. Trong khi đó, Thác Mơ là công trình thủy điện lớn đầu tiên do tư vấn Việt Nam chủ trì lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên trên cả nước khởi đầu thành công cho việc ngành điện tự lo nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy và được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về cung cấp điện cho phát triển kinh tế của đất nước và khu vực phía Nam. Từ kinh nghiệm của Thác Mơ đã mở đường cho Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 tiếp tục chủ động tư vấn, thiết kế nhiều công trình thủy điện có quy mô lớn hơn của đất nước.
Linh hoạt tuyển dụng nhân sự
Một trong những thách thức lớn nhất Thủy điện Thác Mơ phải đối mặt là việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự có chuyên môn phù hợp, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Ông Phan A, nguyên Phó Giám đốc Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy Thủy điện Thác Mơ cho biết, lúc đó phải sử dụng nhiều biện pháp sáng tạo như tìm kiếm nhân sự từ các trường đại học, tuyển cả cử nhân chuyên ngành vật lý, sau đó tổ chức các khóa đào tạo bổ sung kiến thức, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học để giải quyết vấn đề một cách lâu dài.
Với nhiều cách làm sáng tạo, chưa có tiền lệ, cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo và người lao động, ngày 6-1-1995, tổ máy số 1 của nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia đúng dịp kỷ niệm 20 năm chiến thắng Phước Long. Như một sự trùng hợp đến bất ngờ của lịch sử, 4 tháng sau, ngày 30-4-1995, tổ máy số 2 cũng đưa nguồn năng lượng lên hệ thống quốc gia trong niềm vui ngày đại thắng của dân tộc Việt Nam - 20 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Cường Lâm, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương nên công tác giải phóng mặt bằng hết sức thuận lợi. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý liên quan về đầu tư xây dựng công trình cũng được tháo gỡ kịp thời. “Tại thời điểm đó, sau khi phát điện xong, tôi không tưởng tượng được, bởi vì một công trình mà từ khi khởi công đến lúc đó là 3 năm 5 tháng đã phát điện, điều mơ ước đã thành hiện thực” - ông Lâm nhớ lại.
Hai tổ máy với tổng công suất 150MW hòa vào lưới điện quốc gia khi đường dây 500kV mạch 1 vận hành ổn định đã góp phần quan trọng trong giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu điện của miền Nam. Không chỉ vậy, Thủy điện Thác Mơ đã làm “thay da, đổi thịt” các huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé ngày ấy, nhất là huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long).
Cổ phần hóa và triển khai dịch vụ sửa chữa
Sau gần 11 năm thành lập, ngày 30-3-2005, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ được chuyển thành Công ty Thủy điện Thác Mơ, thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.
Nằm trong lộ trình tái cơ cấu, cổ phần hóa ngành điện để nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy phát triển, ngày 1-1-2008, Công ty Thủy điện Thác Mơ chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, trong đó EVN nắm giữ 51,92%. Sau cổ phần hóa, quy mô sản xuất và thị trường mở rộng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được giữ vững và nâng cao.
Năm 2010, công ty thành lập Trung tâm Dịch vụ và Sửa chữa cơ điện (MSC), với đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn, được đào tạo bài bản, có tinh thần trách nhiệm, kết hợp với hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005 (VILAS) một cách hiệu quả, hiện đại. Vì thế, không chỉ thực hiện công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tại các nhà máy của đơn vị đảm bảo chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí, công tác dịch vụ và sửa chữa thiết bị cơ điện của MSC cũng được khách hàng đánh giá rất cao. Việc mở rộng dịch vụ ra bên ngoài đã mang lại nguồn thu đáng kể, giúp doanh thu dịch vụ của công ty tăng so với kế hoạch đặt ra.
Đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh
Bên cạnh việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty còn không ngừng mở rộng quy mô thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp.
Năm 2009, công ty đầu tư vào Công ty cổ phần cơ điện Điện lực Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai, sở hữu 10% cổ phần. Cũng trong năm 2009, công ty tiếp tục đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh, sở hữu 3% cổ phần. Nhà máy có công suất 1.200MW. Từ năm 2009-2014, đầu tư vào công ty con là Công ty cổ phần Mỹ Hưng Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, sở hữu 99,78% cổ phần. Tiếp tục mở rộng kinh doanh, từ năm 2010-2012, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ đầu tư vào công ty con là Công ty cổ phần Thủy điện Đăkrơsa, tỉnh Gia Lai, sở hữu 61,17% cổ phần.
Trước xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, từ năm 2009-2021, đầu tư vào đơn vị liên kết là Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, tỉnh Bình Thuận, sở hữu 20% cổ phần. Hiện Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình có 3 nhà máy điện gió với 25 trụ, công suất gần 80MW.
Mở rộng quy mô và tăng sản lượng điện cho hệ thống
Năm 2014, được sự đồng ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, nâng công suất nhà máy từ 150MW lên 225MW, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 52 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.588 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA chiếm 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tháng 7-2017, dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động. Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng là dự án thủy điện hạn chế tối thiểu các tác động về môi trường, đất đai và xã hội từ các hoạt động thi công đến vận hành. Đặc biệt, dự án còn là một giải pháp kinh tế quan trọng, đóng góp sản lượng điện rất lớn cho miền Nam.
Trong xu hướng phát triển năng lượng tái tạo và để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, công ty đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Thác Mơ công suất 50MWp thuộc địa bàn thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập.
Ngày 12-8-2020, dự án được khởi công xây dựng. Do có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, vật lực, chỉ 2 tháng sau, ngày 10-12-2020, nhà máy đã vận hành thương mại. Nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành góp phần tăng sản lượng điện cho Thác Mơ mỗi năm hơn 71 triệu kWh.
Hiện Nhà máy Thủy điện Thác Mơ và dự án điện năng lượng mặt trời của công ty đã cung cấp điện trực tiếp cho khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, với các tuyến: 171 (Đồng Xoài - Phú Giáo), 172 (Bình Long - Bến Cát) và 173 (Lộc Ninh - Tây Ninh 4).
Nhờ vậy, chương trình điện khí hóa tại Bình Phước được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần đưa kinh tế - xã hội Bình Phước phát triển nhanh chóng. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước tăng 9,32% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước.
Ông Nguyễn Văn Non, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ cho biết, 30 năm qua, công ty đã sản xuất hơn 22 tỷ kWh. Để có được kết quả đó thì vai trò của người lao động rất quan trọng. Công ty rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công nhân viên, không ngừng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, lý luận chính trị cũng như quan tâm đời sống vật chất. Qua đó, công ty đã có đội ngũ cán bộ rất lành nghề, gắn bó với công ty, cống hiến để xây dựng và phát triển.
Tích cực trong công tác xã hội và đóng góp ngân sách nhà nước
30 năm qua, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ luôn nỗ lực trong công tác chăm sóc người có công, tặng quà hộ nghèo, kết nghĩa đồn biên phòng trên tuyến biên giới, góp quỹ phòng, chống dịch Covid-19, tặng thiết bị trường học… Hằng năm, công ty dành hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ các chương trình như xây nhà tình thương, chăm lo đời sống các gia đình khó khăn, tặng quà tết cho người nghèo và đóng góp cho giáo dục. Những chương trình này không những thể hiện trách nhiệm xã hội của công ty mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tỉnh Bình Phước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi nhấn mạnh, ngoài hoạt động sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ là đơn vị tiêu biểu trong việc hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trung bình hằng năm đóng góp hơn 250 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh. Đây là nguồn thu quan trọng giúp tỉnh Bình Phước đầu tư phát triển các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông và nhiều dịch vụ công cộng khác.
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015 và nhiều danh hiệu cao quý khác từ cấp Tổng Công ty phát điện 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Phước.
Triển vọng phát triển du lịch sinh thái
Với lưu vực 2.200km2, diện tích mặt thoáng 110km2, dung tích hồ chứa nước 1,36 tỷ mét khối, hồ Thác Mơ lớn thứ 3 trong khu vực miền Nam. Vào mùa khô, nhà máy duy trì dòng chảy ổn định, cung cấp nguồn nước cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đồng thời cải tạo khí hậu, môi trường, thu hút, phát triển du lịch sinh thái.
30 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vun đắp, xây dựng nên một truyền thống vô cùng quý giá, đó là truyền thống lao động dũng cảm, cần cù, thông minh và sáng tạo; truyền thống trung thực, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của tất cả tập thể, cá nhân trong từng đơn vị.
Từ truyền thống đó, sứ mệnh của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ là mang lại sự hài lòng cho khách hàng, đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty thông qua việc cung cấp các sản phẩm với chất lượng ngày càng hoàn hảo.
Hòa cùng không khí đất trời vào xuân và niềm tự hào về những thành quả đạt được sau 30 năm hòa lưới điện quốc gia, cán bộ, công nhân viên Thủy điện Thác Mơ đón mùa xuân mới với khí thế tưng bừng, rộn rã. Đồng thời, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt, tập trung mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tối đa tiềm năng hiện có và đẩy mạnh đầu tư các dự án mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2030 tăng gấp đôi công suất hiện có theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Công ty Phát điện 2.
Hơn thế nữa, cán bộ, công nhân viên Thủy điện Thác Mơ quyết tâm thực hiện nghiêm “mệnh lệnh từ trái tim”, bảo đảm vận hành an toàn, ổn định điện lưới quốc gia, mang ánh sáng đến mọi người, mọi nhà, góp phần làm nên mùa xuân của quê hương, đất nước.