Gạo Việt và bài toán giá trị gia tăng, thương hiệu

Gạo lâu nay vẫn được xem là 'con gà đẻ trứng vàng' trong danh mục các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt vẫn là thách thức lớn.

Thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu

Mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn luôn đạt con số ấn tượng, trung bình từ 7-8 triệu tấn mỗi năm, tuy nhiên theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, giá trị gia tăng của gạo Việt còn rất hạn chế. Lý do chính là vì chúng ta chủ yếu vẫn là gia công, “xuất thô”, chưa xây dựng được thương hiệu vững mạnh.

Lý giải thêm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, thương hiệu gạo Việt Nam hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc gắn thương hiệu quốc gia, chưa có một thương hiệu gạo mang tầm vóc quốc tế thực sự mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam đã có những giống gạo ngon như ST25 được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới”. Một số doanh nghiệp như Lộc Trời hay Công ty Viễn Phú - Green Farm cũng đã bước đầu thành công trong việc phát triển thương hiệu gạo sạch và gạo hữu cơ, tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng như “Cơm Việt Nam Rice” hay gạo hữu cơ “Hoa Sữa”. Những thành công này đã được tìm thấy, những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao và mang đậm giá trị văn hóa sẽ tạo sức hút lớn trên thị trường quốc tế.

Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chưa tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu trên thị trường quốc tế. Bởi các vùng sản xuất gạo của Việt Nam chưa đạt được quy mô lớn và ổn định, gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm.

“Hiện nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An… tham gia xây dựng thương hiệu gạo, dẫn đến sự thiếu đa dạng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quy mô sản phẩm sản xuất nhỏ lẻ, thiếu ổn định là một trong những rào cản lớn nhất, tạo ra các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm,” ông Thủy nói và thêm rằng, để có lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đạt được một lượng xuất khẩu lớn, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lưu ý: “So với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, chúng ta vẫn còn thiếu một chiến lược xây dựng thương hiệu gạo bài bản, bao gồm các hoạt động quảng bá, bảo hộ thương hiệu và phát triển sản phẩm”.

Ông Phạm Thái Bình cũng nhấn mạnh thêm: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, lúa gạo sẽ là mặt hàng chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bài bản, chứng minh chất lượng và đáp ứng nhu cầu các thị trường khác nhau”.

Hướng đi nào cho gạo Việt?

“Việt Nam có tiềm năng lớn với các giống lúa đặc sản như gạo ST25, gạo hữu cơ và các loại gạo thơm, tuy nhiên cần có chiến lược bài bản để đưa các sản phẩm này vào phân khúc cao cấp, tạo thương hiệu riêng trên thị trường quốc tế,” ông Thủy nói và cho rằng, để nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần tập trung xây dựng các chuỗi giá trị gạo liên vùng chặt chẽ nhằm tăng quy mô sản xuất, đảm bảo chất lượng đồng đều và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó, Nhà nước nên tập trung vào việc quy hoạch vùng, không nên quy hoạch chi tiết đến diện tích và sản lượng của từng loại cây trồng. Việc này sẽ tạo điều kiện để các địa phương chủ động quyết định, tận dụng lợi thế địa phương và tránh tình trạng ứ đọng sản phẩm, gây thiệt hại cho nông dân. Bởi để có lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đạt được một lượng xuất khẩu lớn - điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thu hút doanh nghiệp tham gia, xây dựng thương hiệu gạo Việt đa dạng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo đặc sản vùng miền nhằm khẳng định vị thế và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp, để giải bài toán giá trị gia tăng đối với gạo Việt, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần thay đổi tư duy sản xuất và tiếp cận thị trường. Trước hết, cần đầu tư vào các khâu sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo. Lập kế hoạch và tổ chức sản xuất hiệu quả là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc liên kết chặt chẽ các khu vực sản xuất, đảm bảo quy mô lớn và đồng nhất hóa quy trình quản lý cũng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu lãng phí và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trọng Thủy đặc biệt cho rằng: “Việc thiếu một thương hiệu gạo mạnh đã trở thành rào cản lớn trong hoạt động xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là 1 triệu ha lúa giảm phát thải. Bằng cách sản xuất theo vùng, thống nhất giống và áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng tình rằng, Việt Nam cần coi xây dựng thương hiệu gạo là ưu tiên hàng đầu. Việc phát triển chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ và tập trung vào những thị trường cao cấp sẽ giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt.

Đồng thời, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng như Thái Lan và Campuchia, những nước đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế. Chúng ta cần những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Việc chỉ tập trung vào sản lượng trong thời gian ngắn sẽ khó tạo nên sự khác biệt và bền vững.

“Chúng ta nên xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm khác biệt để chọn thương hiệu sản phẩm quốc gia phải tinh túy nhất mới thành công. Việt Nam nên lấy gạo ST25 và ST24 là những sản phẩm gốc. Dưới các sản phẩm gốc có một loạt thương hiệu và loại gạo này nằm trong phân khúc trung bình khá, nó sẽ góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế,” chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khuyến nghị.

Hà Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gao-viet-va-bai-toan-gia-tri-gia-tang-thuong-hieu-159929.html
Zalo