Thường xuyên bị muỗi đốt có phải do thịt thơm không? Câu trả lời của chuyên gia khiến nhiều người bất ngờ

Bạn từng thắc mắc vì sao mình thường xuyên bị muỗi đốt trong khi người ngồi ngay bên cạnh lại không bị loài côn trùng đáng ghét này làm phiền? Liệu có phải do da thịt bạn 'thơm' như cách lý giải dân gian hay không?

Thực tế, hiện tượng này hoàn toàn có căn cứ khoa học và bạn không hề cô đơn. Theo ước tính, khoảng 20% dân số trên thế giới có cơ địa đặc biệt thu hút muỗi. Dưới đây là 7 nguyên nhân chính lý giải vì sao có người thường xuyên trở thành mục tiêu của muỗi nhiều hơn những người khác.

1. Trang phục có màu sắc đậm khiến bạn dễ bị muỗi đốt

Muỗi không chỉ định hướng bằng khứu giác mà còn sử dụng thị giác để tìm kiếm "con mồi". Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thị giác của muỗi hoạt động rất nhạy, đặc biệt là vào buổi chiều. Chúng bị hấp dẫn bởi các màu sắc đậm như đen, xanh dương đậm và đỏ. Vì vậy, nếu bạn thường mặc quần áo màu tối, khả năng bị muỗi đốt sẽ cao hơn những người chọn trang phục sáng màu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2. Nhóm máu ảnh hưởng đến việc bị muỗi đốt

Nhiều người từng đặt câu hỏi: nhóm máu nào dễ bị muỗi đốt? Câu trả lời là nhóm máu O. Theo nghiên cứu, những người có nhóm máu O bị muỗi đốt nhiều gấp đôi so với nhóm máu A. Trong khi đó, nhóm máu B đứng ở mức trung bình về độ thu hút muỗi.

Khoảng 85% dân số có khả năng tiết ra một chất chỉ điểm nhóm máu trên da, điều này càng khiến họ dễ bị muỗi “ưu ái” hơn. Nguyên nhân là vì muỗi cái cần protein trong máu để sản xuất trứng, và chúng có xu hướng tìm đến những nguồn máu "hấp dẫn" hơn.

3. Hơi thở có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của muỗi

Một yếu tố quan trọng khiến bạn bị muỗi đốt nhiều là lượng khí CO₂ (carbon dioxide) bạn thở ra. Muỗi có thể cảm nhận CO₂ từ khoảng cách gần 500 mét. Những người có vóc dáng lớn thường thở mạnh hơn, thải ra nhiều CO₂ hơn nên dễ bị muỗi tấn công hơn.

CO₂ được thải ra chủ yếu qua miệng và mũi, vì vậy muỗi thường bay quanh vùng đầu, khiến nhiều người cảm thấy chúng “lởn vởn” bên tai.

4. Phụ nữ mang thai dễ bị muỗi đốt hơn

Một nghiên cứu thực hiện tại Nam Phi cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ bị muỗi đốt và mắc sốt xuất huyết cao gấp 2 lần phụ nữ bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể bà bầu thải ra nhiều CO₂ hơn khoảng 21% so với người bình thường, cùng với thân nhiệt tăng nhẹ, khiến họ trở thành mục tiêu ưa thích của muỗi.

5. Thân nhiệt cao cũng là yếu tố thu hút muỗi

Sau khi vận động hoặc vào những ngày nóng bức, bạn dễ bị muỗi đốt hơn vì thân nhiệt tăng và cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Muỗi đặc biệt bị thu hút bởi các chất như axit lactic, axit uric – những thành phần có trong mồ hôi. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến mức độ sản xuất axit uric, khiến một số người trở thành “nam châm” hút muỗi tự nhiên.

6. Vi khuẩn trên da có thể là thủ phạm

Cơ thể người chứa hàng triệu vi khuẩn sống trên bề mặt da. Những vi khuẩn này góp phần tạo nên mùi cơ thể đặc trưng ở mỗi người. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện những người dễ bị muỗi đốt có một số loại vi khuẩn đặc biệt nhiều hơn người khác. Đây là lý do vì sao muỗi thường đốt ở chân – nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất.

7. Uống bia làm tăng nguy cơ bị muỗi đốt

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống bia khiến lượng muỗi quanh bạn tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do ethanol trong bia làm tăng tiết mồ hôi và nhiệt độ cơ thể. Đây đều là các tín hiệu mạnh thu hút muỗi tìm đến.

Muỗi không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn là tác nhân truyền nhiễm các bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, bệnh giun chỉ... Vì vậy, bạn nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thuong-xuyen-bi-muoi-dot-co-phai-do-thit-thom-khong-cau-tra-loi-cua-chuyen-gia-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo/20250504034434114
Zalo