Thường Xuân phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Hiện nay, huyện Thường Xuân có 112 người có uy tín, thành phần chủ yếu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, thầy mo, thầy cúng, thầy thuốc, trưởng dòng họ, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi, chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ thôn, bản... Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày một ấm no, đổi mới.
Tiêu biểu, trong số những người có uy tín trên địa bàn huyện Thường Xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Lang Văn Huyến, dân tộc Thái, là người bảo vệ cột mốc ở thôn Khẹo, xã Bát Mọt. Những năm qua, ông Huyến đã cùng với cấp ủy chi bộ, ban, ngành, đoàn thể ở thôn Khẹo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các thành viên gia đình, dòng họ và Nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm các quy định về biên giới, tham gia cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội ở địa bàn biên giới.
Ở thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân, ông Cầm Bá Tiến, dân tộc Thái, tuy đã nghỉ chế độ hưu trí nhưng được tập thể và Nhân dân tín nhiệm bình chọn làm người có uy tín. Với tinh thần trách nhiệm, trong những năm qua, ông Tiến luôn xác định người có uy tín là điểm tựa của Nhân dân, là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân. Ông Tiến đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế, giảm nghèo, XDNTM; tham gia hòa giải các mâu thuẫn, các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, gắn bó, đoàn kết Nhân dân. Hiện nay, thôn Bù Đồn có 139 hộ, đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 69% dân số. Thôn Bù Đồn là thôn nằm ở khu vực trung tâm của cụm xã “5 Xuân”, thuận lợi trong việc trao đổi buôn bán, giao thương kinh tế, ngành nghề chính của người dân là phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, một số ít kết hợp các ngành nghề dịch vụ buôn bán, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng.
Những năm qua, việc triển khai, quán triệt chủ trương, quan điểm và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Thường Xuân tổ chức thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của cấp trên đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên; UBND từ huyện đến xã, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp. Chi bộ, ban, ngành, đoàn thể ở thôn, khu phố, người có uy tín, trưởng các dòng họ thông qua sinh hoạt, tổ chức thực hiện các chính sách, hương ước, quy ước, giải quyết các tranh chấp, hòa giải các mâu thuẫn... tại cơ sở, đã trực tiếp tuyên truyền, giải thích, vận động người dân tin tưởng, đồng thuận, chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Không chỉ ông Lang Văn Huyến, thôn Khẹo hay ông Cầm Bá Tiến, thôn Bù Đồn mà nhiều bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, người uy tín, già làng, trưởng dòng họ các thôn bản, tuy phụ cấp thấp, chính sách hỗ trợ ít ỏi, có khi không có, địa bàn rộng, số hộ trong thôn bản đông, công việc bận nhưng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thi đua lao động, sản xuất, chung tay XDNTM, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tiêu biểu như các ông: Cầm Bá Tâm, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thành Thắng, xã Luận Thành; Cầm Bá Tứ, trưởng thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh; Lang Văn Huyến ở thôn Khẹo, xã Bát Mọt; Lương Văn Nhật ở thôn Thành Hạ, xã Tân Thành; Vi Hắc Hải ở thôn Dín, xã Xuân Thắng...
đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế hộ; tích cực tham gia vào các hoạt động chung của thôn, tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, tự giải phóng hành lang, hiến đất làm đường giao thông, trong đó đã có hộ tự nguyện hiến 500m2 đất ao vườn.
Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, huyện Thường Xuân lựa chọn, công nhận người có uy tín đúng theo quy định và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có uy tín, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng DTTS và miền núi.
Cùng với phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, những năm qua, Đảng, Nhà nước và huyện Thường Xuân quan tâm đến chính sách cho người có uy tín, thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ tết, ốm đau, cấp phát báo; tập huấn bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín. Năm 2023, huyện Thường Xuân tổ chức biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có đội ngũ người có uy tín. Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Thường Xuân tổ chức 1 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 72 người có uy tín thuộc ngành dân tộc quản lý của huyện Thường Xuân. Người có uy tín đã được tuyên truyền, phổ biến về: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi... Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025. Cung cấp thông tin thời sự các quan điểm của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tình hình quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi - những điểm nóng cần quan tâm. Tuyên truyền chuyên đề về phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.