Triển khai hỗ trợ 50.000 người dân vượt qua khó khăn sau bão số 3

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai dự án 'Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão' do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ với tổng kinh phí 900.000 CHF (trên 25,5 tỷ đồng).

Dự án được triển khai trong 6 tháng từ tháng 10/2024 đến 16/3/2025 trên địa bàn 7 tỉnh bị thiệt hại gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn với số lượng 190 thôn, bản, hỗ trợ hơn 50.000 người dân tại các địa phương nêu trên.

Các lĩnh vực can thiệp chính: phục hồi sinh kế, hỗ trợ nhu cầu cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch), giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực phòng ngừa.

Bước đầu triển khai, dự án đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Thời gian thực hiện rất eo hẹp khi tất cả các hoạt động phải hoàn thành trước ngày 16/3/2025, trong khi giai đoạn triển khai lại trùng vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thời điểm tổng kết công việc, cả nước đang thực hiện chủ trương lớn theo Nghị quyết 18 về sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại Hội nghị tập huấn. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại Hội nghị tập huấn. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)

Phạm vi triển khai dự án trải dài trên 7 tỉnh, gây ra nhiều khó khăn trong việc di chuyển, điều phối và kiểm soát. Đội ngũ cán bộ tham gia dự án còn thiếu kinh nghiệm, trong khi số lượng hoạt động cần thực hiện và đối tượng cần hỗ trợ đều rất lớn.

Bên cạnh đó, địa bàn triển khai còn có sự hiện diện của nhiều dự án và chương trình khác, dẫn đến nguy cơ chồng chéo và khó khăn trong phối hợp. Những thách thức này đòi hỏi những người thực hiện dự án phải áp dụng cách tiếp cận khoa học, bài bản và hiệu quả để đảm bảo thành công của dự án.

Trước những thách thức trong triển khai dự án, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh đề nghị các cấp Hội cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất. Công tác tham mưu cần được chú trọng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành để huy động tối đa nguồn lực.

Kế hoạch triển khai phải được xây dựng khoa học, chi tiết, kèm theo sự bố trí nhân lực hợp lý, tránh gián đoạn. Việc thực hiện cần đảm bảo minh bạch, dân chủ, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tài chính, lựa chọn đối tượng hưởng lợi và thủ tục thanh quyết toán. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và triển khai sẽ giúp tăng cường hiệu quả, đồng thời cần chú trọng bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động.

Đặc biệt, việc lồng ghép các hoạt động của dự án với phong trào Tết Nhân ái tại địa phương sẽ giúp tối ưu hiệu quả và lan tỏa giá trị nhân đạo. Ngay sau đây, các cán bộ cần tiếp thu đầy đủ kiến thức từ chương trình tập huấn để đảm bảo triển khai đúng kỹ thuật và quy định, góp phần thực hiện thành công dự án.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Stella Tsang, Điều phối viên chương trình, đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, bão Yagi đổ bộ vào đất liền Việt Nam, mang theo mưa gió lớn và để lại lũ lụt và sạt lở đất. Bão Yagi được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam đã trải qua trong 30 năm qua, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực phía Bắc, với hơn 19 triệu người đang sinh sống. Cơn bão đã tàn phá nặng nề, để lại ảnh hưởng diện rộng đến các tài sản công và tài sản tư, bao gồm văn phòng, trường học, và nhà cửa.

"Bất chấp tình hình khó khăn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ Trung ương đến các cấp đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và triển khai cán bộ và tình nguyện viên để đáp ứng nhu cầu nhân đạo trong cộng đồng. Chúng ta có thể thấy rằng các khoản hỗ trợ tiền mặt và cứu trợ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp phát trong thời điểm này đã góp phần rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trước mắt của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bão.

Hôm nay, với sự bổ trợ của IFRC về việc kêu gọi vận động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ triển khai rộng hơn các hoạt động trong cộng đồng, bao gồm phục hồi sinh kế, nhà ở, chăm sóc sức khỏe cũng như nước sạch vệ sinh. IFRC chúng tôi hy vọng rằng việc tích hợp các lĩnh vực can thiệp này sẽ hỗ trợ công tác tái thiết và phục hồi cho các cộng đồng bị ảnh hưởng", bà Stella Tsang nhấn mạnh.

Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu sau bão đổ bộ vào nước ta trong tháng 9/2024, gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ. Thống kê cho thấy 344 người thiệt mạng và mất tích, 1.976 người bị thương, gần 282.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc tốc mái. Hạ tầng điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục và giao thông cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính hơn 81 nghìn tỷ đồng.

Ngay khi bão xảy ra, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức 13 đoàn công tác đi thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ hơn 16,6 tỷ đồng giá trị hàng hóa, tiền mặt cho khoảng 22.242 hộ gia đình (tương đương 88.965 khẩu hưởng lợi).

Hồng Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trien-khai-ho-tro-50000-nguoi-dan-vuot-qua-kho-khan-sau-bao-so-3-298004.html
Zalo