Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh là cầu nối đưa hàng nông sản Việt vào sâu thị trường Trung Quốc

Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cam kết phát huy vai trò cầu nối đưa hàng nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Chiều ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ phụ trách khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Hội nghị được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cùng Báo Công Thương.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại Nam Ninh đã có bài tham luận chia sẻ về tiềm năng thu hút đầu tư tại khu vực Quảng Tây.

Hợp tác thương mại Việt Nam - Quảng Tây

Quảng Tây, một địa phương nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, có diện tích hơn 237.000 km2 với dân số khoảng 57,5 triệu người, đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các nước ASEAN. Được Chính phủ Trung Quốc định vị là “cửa ngõ” hợp tác, Quảng Tây sở hữu hệ thống cửa khẩu đồng bộ và đa dạng, bao gồm các loại hình như đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không.

Đặc biệt, trên tuyến biên giới dài 696 km giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, Quảng Tây có 9 cặp cửa khẩu quốc tế và 16 lối mở biên giới phục vụ giao thương. Nhờ đó, Quảng Tây được xem là trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng, thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điểm nổi bật là trong suốt 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan là cửa khẩu duy nhất trên toàn tuyến biên giới không bị gián đoạn hoạt động thông quan. Với lợi thế về địa lý và hạ tầng, Quảng Tây đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Theo dự báo, đến cuối năm 2024, Việt Nam sẽ có 26 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Đồng thời, Quảng Tây tiếp tục giữ vị trí là địa phương có quy mô thương mại lớn thứ hai trong các tỉnh, thành phố của Trung Quốc giao thương với Việt Nam, chỉ sau Quảng Đông.

Theo thống kê từ Hải quan Nam Ninh, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt khoảng 33,7 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Con số này chiếm hơn 40,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây và trên 76,6% giá trị thương mại giữa Quảng Tây với các nước ASEAN.

Đặc biệt, Quảng Tây đóng vai trò cửa ngõ chính cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 39%. Trong đó, trái cây chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên, và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất nhập khẩu trái cây giữa ASEAN và toàn Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ, cứ 10 quả sầu riêng được bán tại Trung Quốc, có 7 quả được nhập khẩu qua các cửa khẩu của Quảng Tây.

Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Thách thức cần vượt qua để phát triển bền vững

Nhờ ưu thế về vị trí địa lý, hệ thống cửa khẩu đồng bộ và các chính sách đặc thù của Trung Quốc, giao thương giữa Việt Nam và Quảng Tây ngày càng thuận lợi. Việc đưa các mặt hàng nông sản mới, có giá trị xuất khẩu cao, vào danh mục xuất khẩu chính thức như sầu riêng, dừa tươi đã góp phần tăng quy mô thương mại đáng kể.

Các hiện tượng ùn tắc tại cửa khẩu vào mùa cao điểm thu hoạch nông sản cũng được cải thiện nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương biên giới và việc nâng cấp hạ tầng cửa khẩu. Quảng Tây đã mở rộng một số cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị sang Tân Thanh và Cốc Nam, bổ sung các công năng để hỗ trợ nhập khẩu nông sản theo hình thức thương mại chính quy.

Bên cạnh đó, việc khởi công ba trung tâm giao dịch trái cây lớn tại Sùng Tả, Nam Ninh và Khâm Châu, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2027, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tập trung, góp phần phát triển ổn định và bền vững thương mại trái cây giữa hai bên.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, hợp tác thương mại nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là một số loại trái cây như thanh long, mít, nhãn, vải, chôm chôm, xoài vẫn chưa được ký Nghị định thư kiểm dịch. Điều này dẫn đến việc phải kiểm dịch 100% khi nhập khẩu, làm giảm hiệu suất thông quan. Nếu được ký Nghị định thư, tỷ lệ kiểm dịch có thể giảm xuống còn 30%.

Công tác quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu cũng cần được cải thiện, nhất là việc hạn chế vi phạm kiểm dịch như tình trạng nhiễm kim loại nặng trên mít và sầu riêng, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, việc phân luồng hàng hóa tại các cửa khẩu còn bất cập, dẫn đến ùn ứ trong mùa cao điểm thu hoạch. Công tác xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam và tăng cường "chữ tín" trong kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cũng cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Để phát huy vai trò cửa ngõ của Quảng Tây, việc giám sát chất lượng và nâng cao công tác kiểm dịch từ gốc là yếu tố then chốt, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc ký kết Nghị định thư cho các loại trái cây chưa được phê duyệt để tăng hiệu suất thông quan và giảm rủi ro ùn tắc. Đồng thời, các cơ quan chức năng của cả hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc điều tiết luồng hàng hóa qua các cửa khẩu.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức sáng tạo, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, như sự kiện "Quảng bá Thương hiệu hàng Việt" tổ chức tại Nam Ninh đầu tháng 9/2024, cũng cần được đẩy mạnh. Những hoạt động này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn nâng cao hình ảnh nông sản Việt Nam tại thị trường 1,4 tỷ dân này.

Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cam kết bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với địa phương sở tại, phát huy vai trò cầu nối đưa hàng nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, khẳng định vị thế bền vững trên thị trường quốc tế.

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

Nguyên Minh từ Tokyo, Nhật Bản

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-vu-viet-nam-tai-nam-ninh-la-cau-noi-dua-hang-nong-san-viet-vao-sau-thi-truong-trung-quoc-365116.html
Zalo