Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến Luật Việc làm (sửa đổi)

Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 41 - phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025. Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 4 dự án luật, trong đó có Luật Việc làm (sửa đổi).

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp

Sáng 6/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 41. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: với thời gian 1,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung: cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 4 dự án luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đồng thời xem xét, thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành"; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần của Kỳ họp thứ 8 vừa qua; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Theo chương trình phiên họp, chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Việc làm (sửa đổi). Theo Văn phòng Quốc hội, Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập để phù hợp với tình hình việc làm trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động…

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 và tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; đồng thời rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, theo đó Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung lớn như:

Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm bao gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; Nguồn huy động của NHCSXH; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH. Đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, trong đó không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung đối tượng các đối tượng yếu thế, đặc thù được ưu tiên tiếp cận.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Dự thảo sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động, trong đó quy định khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động; Sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường lao động, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật về thống kê và các quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, tính chung 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động (LLLĐ) từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia LLLĐ là 68,5%; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước;

Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,6% và giảm 126,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước;

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo 9 tháng đầu năm 2024 là 68,7%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%.

H.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuong-vu-quoc-hoi-tiep-tuc-cho-y-kien-luat-viec-lam-sua-doi-20250106112757453.htm
Zalo