Thượng vàng, hạ cám - lãng phí trong công bố bài báo quốc tế ngành Luật

Làn sóng quốc tế hóa giáo dục đại học đã khiến các trường 'chạy đua' lấy số lượng bài báo quốc tế, trong đó có ngành Luật. Tuy nhiên, song song với thành tích ấn tượng về con số lại là sự lãng phí công sức, tài chính và cả uy tín học thuật.

Mặt trái của "cuộc đua" công bố bài báo quốc tế trong ngành Luật

Việc lấy số lượng bài báo quốc tế làm tiêu chí xét thi đua, thăng hạng, phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư… khiến không ít giảng viên, nghiên cứu sinh và các trường rơi vào cuộc đua thành tích, nơi chất lượng thực sự không còn được đặt lên hàng đầu.

Một ví dụ điển hình được ghi nhận trên Nhóm Liêm chính khoa học – cộng đồng giám sát đạo đức học thuật lớn nhất Việt Nam với hơn 118.000 thành viên.

Tạp chí AMERICAN JOURNAL OF PSYCHIATRIC REHABILITATION (AJPR) vốn thuộc lĩnh vực phục hồi tâm thần, từng xuất bản bởi Taylor & Francis (một nhà xuất bản quốc tế uy tín). Tuy nhiên, từ khi rơi khỏi Taylor & Francis, tạp chí này nhanh chóng biến tướng thành "tạp chí săn mồi" với mức phí xuất bản lên đến 1.500 USD (khoảng 38 triệu đồng một bài).

Dù không còn tiêu chuẩn cao về học thuật, trong thời gian ngắn đã có 7 bài của tác giả Việt Nam, trong đó 2 bài về luật học của giảng viên trường đại học lớn được xuất hiện tại đây.

Cụ thể là các bài báo gồm:

- Proposing Some Solutions To Improve Policies And Laws On Developing Circular Economy In Vietnam (https://ajprui.com/index.php/ajpr/article/view/162 ); Patent Protection Of Inventions Created By Artificial Intelligence Under The United Kingdom Law And Vietnamese Law.

Đến tháng 5/2025, tạp chí này chính thức bị loại khỏi Web of Science nhưng vẫn còn trên Scopus và SJRScimago Journal & Country Rank.

Một trường hợp khác là Science of Law nằm trong chỉ mục Scopus (SJR-Q3), liên tục gửi email tự động mời nộp bài với phí công bố 780 USD (khoảng 20 triệu đồng.

Nhiều tác giả đăng chỉ vì tin vào nhãn Scopus mà chưa thực sự kiểm tra uy tín, dù bản chất hoạt động của nhiều tạp chí dạng này chỉ là thu phí, bình duyệt lỏng lẻo, không đảm bảo giá trị học thuật.

Ảnh chụp E-mail mời chào của Science of Law.

Ảnh chụp E-mail mời chào của Science of Law.

Ngay tại các trường đại học đào tạo luật hàng đầu Việt Nam, hiện tượng công nhận thành tích ở các tạp chí săn mồi vẫn xuất hiện công khai. Minh chứng là danh sách công bố quốc tế đã ghi nhận hàng loạt bài báo đăng trên các tạp chí chất lượng thấp, tạp chí săn mồi là "công bố khoa học" của trường.

Có thể lấy ví dụ từ danh sách này:

- Models of Eco-Industrial Parks for the Purposes of Sustainable Development in Vietnam: Status Quo and Regulation đăng trên Journal of Legal, Ethical and Regulatory Issues.

Tạp chí này đã bị cộng đồng khoa học chân chính vạch mặt, chỉ tên đưa vào Beall's list, bị loại khỏi Scopus, Web of Science.

- The changes of administrative law in Vietnam from central planned to the socialist-oriented open market economic đăng trên Frontiers of law, Political Science and Art

Đây cũng là tạp chí săn mồi, bị cộng đồng khoa học chân chính vạch mặt, chỉ tên danh tại Beall's list và Predatory Journals như đã nêu.

Nhiều trường đại học sẵn sàng chi thưởng mức lớn – tới hàng trăm triệu đồng – cho mỗi bài báo được dán nhãn "quốc tế", mà giá trị học thuật thực chất gần như bằng 0, thua xa các bài tạp chí đăng trong nước gây lãng phí cực lớn cho ngân sách và ảnh hưởng đến uy tín học thuật trong giới nghiên cứu khoa học.

Nhận diện nguyên nhân, sự khác biệt nghiên cứu và khoảng trống cập nhật trong các cơ sở dữ liệu quốc tế

Theo chia sẻ từ vị chuyên gia đã có nhiều bài công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc Scopus, WoS ngành Luật: Thực tế không ít người có trình độ chuyên môn tốt nhưng thiếu hiểu biết nên vô tình "dính" vào tạp chí rởm.

Tuy nhiên, phần lớn vẫn biết rất rõ đâu là tạp chí săn mồi, tạp chí kém chất lượng nhưng vẫn cố tình gửi bài, chỉ để chạy theo thành tích, hoàn thiện hồ sơ phong học hàm Giáo sư hoặc Phó Giáo sư hoặc nhằm thỏa mãn tâm lý háo danh cá nhân. Trong khi đó, thông tin và công cụ nhận diện tạp chí săn mồi, tạp chí rởm hiện nay đã rất phổ biến trên các diễn đàn, trang học thuật, song không ít cá nhân và cả cơ sở đào tạo vẫn cố tình bỏ qua.

Đáng chú ý, việc công bố trên các tạp chí Luật thuộc Scopus, Web of Science thực sự uy tín là vô cùng khó khăn, đòi hỏi nghiên cứu phải tuân thủ những tiêu chuẩn hiện đại về phương pháp, minh bạch nguồn dữ liệu, quy trình phản biện ngặt nghèo, kéo dài cả năm và đặc biệt phải có giá trị mới mẻ ở tầm quốc tế.

Điều này khác xa với lối nghiên cứu truyền thống còn quen thuộc trong nước – thiên về tổng kết lý thuyết, bình luận pháp luật mà thiếu những phân tích mới, ứng dụng các phương pháp hiện đại hoặc tiếp cận đa ngành đang trở thành xu hướng khu vực và toàn cầu.

Chính vì vậy, số lượng học giả Việt Nam có bài về luật tại các tạp chí quốc tế uy tín còn rất khiêm tốn; trong khi số lượng công bố ở các "tạp chí dễ dãi" lại tăng mạnh chủ yếu thông qua các tạp chí săn mồi, chất lượng thấp.

Các tạp chí săn mồi, hoặc tạp chí "rởm" chắc chắn sẽ bị loại khỏi các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín như Scopus, Web of Science khi bị phát hiện, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc rà soát, cập nhật và loại bỏ thường diễn ra chậm, tạo ra "khoảng trống thời gian" tồn tại trong danh mục. Nhiều tác giả đã đăng bài, kịp dùng các bài báo này cho xét duyệt mà chưa bị phát hiện rủi ro, trường đại học vẫn xét công nhận chuẩn quốc tế trước khi tạp chí bị xóa sổ. Khoảng thời gian "chênh vênh" này khiến lỗ hổng học thuật càng lớn, người làm học thuật lại càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy hình thức, lãng phí ngân sách, thời gian và cả uy tín cá nhân, đơn vị.

Rõ ràng, công bố quốc tế nếu không đi cùng liêm chính và chọn lọc chất lượng sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho lãng phí, háo danh, làm méo mó giá trị khoa học, tai tiếng cho ngành Luật Việt Nam.

Đã đến lúc các trường đại học, hội đồng thẩm định và nhà khoa học cần thay đổi tư duy, ưu tiên chất lượng thực, sàng lọc nghiêm ngặt, tuyệt đối không chi thưởng hay vinh danh cho công trình đăng ở tạp chí săn mồi, thiếu uy tín. Đồng thời, cần sớm ban hành các quy định pháp lý cụ thể về liêm chính khoa học, thiết lập chế tài, buộc thu hồi các khoản thưởng đã cấp cho bài báo trên tạp chí săn mồi, tạp chí rởm, kém chất lượng.

Đặc biệt, vai trò của Nhóm Liêm chính khoa học (nhóm người dùng trên facebook) trong việc cảnh báo, giám sát minh bạch học thuật là rất đáng trân trọng, cần được khuyến khích nhân rộng, phối hợp với các cơ quan quản lý, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, trường đại học để xây dựng nền khoa học thực chất và minh bạch hơn nữa.

Chỉ khi cộng đồng học thuật đồng lòng chống lại bệnh hình thức, phụng sự liêm chính khoa học và ban hành hành lang pháp lý tương thích, ngành luật Việt Nam mới bảo vệ được giá trị thực chất, giữ vị thế xứng đáng trên bản đồ tri thức quốc tế.

Khai Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thuong-vang-ha-cam-lang-phi-trong-cong-bo-bai-bao-quoc-te-nganh-luat-17925052815510549.htm
Zalo