Thưởng tết ngành dệt may, da giày được cải thiện rõ rệt

Nhờ sản xuất kinh doanh có chuyển biến tốt, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã thông báo thưởng tết để người lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Thưởng tết trung bình hơn 18 triệu đồng/người

Với ngành dệt may, 2024 là năm tương đối thuận lợi khi tổng kim ngạch xuất khẩu cán mốc xấp xỉ 44 tỉ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng sớm lên kế hoạch chi thưởng tết hợp lý cho người lao động.

Ngay từ quý 3, Tổng công ty May 10 (Quận Long Biên, Hà Nội) đã có kế hoạch thưởng tết cho hơn 12.000 lao động với tháng lương thứ 13 bình quân khoảng 1,6 tháng lương. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến tháng 3/2025. Với tình hình khả quan, May 10 quyết định chi hệ số thưởng tết bằng năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay lương, thu nhập của người lao động tăng hơn so với năm 2023 là 8% nên mức thưởng tết thực nhận nhỉnh hơn năm ngoái. Cùng với chính sách thưởng tết tháng lương thứ 13, May 10 cũng có thêm nhiều chính sách phúc lợi khác.

Ông Ngô Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley VN (H.Gia Lâm, Hà Nội), cho biết, năm nay, doanh nghiệp dự kiến sẽ thưởng tết cho người lao động từ 2 - 2,5 tháng lương như năm ngoái. Cùng với đó, các hoạt động chăm lo tết khác cho người lao động cũng sẽ tiếp tục được tổ chức.

Còn ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại. Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý 3/2024, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm 2024.

Còn ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả. Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023.

“Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại Công ty may Maxport Thái Bình. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại Công ty may Maxport Thái Bình. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thập, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tiên Hưng (Huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), hồ hởi chia sẻ doanh nghiệp dự kiến thưởng cuối năm cho người lao động tăng khoảng 5% so với năm trước. Tổng mức thưởng tết và lương tháng 13 trung bình khoảng 20 - 22 triệu đồng/người. Với trên 3.700 lao động, dự kiến số tiền công ty chi thưởng tết năm nay dao động 74,1 - 81,5 tỷ đồng.

Với ngành da giày, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết nhiều khả năng năm nay xuất khẩu da giày về đích 27 tỷ USD. "Để khích lệ người lao động, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiết lộ có kế hoạch thưởng tết ít nhất 1 tháng lương. Thậm chí, có doanh nghiệp sẵn sàng thưởng 3 - 4 tháng lương cho người lao động có thành tích xuất sắc, làm tăng ca", bà Xuân nói.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát cho thấy mức thưởng tết năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước. Một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics... ghi nhận mức thưởng khá, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng. Cá biệt, nhóm lao động kỹ thuật cao tại một số doanh nghiệp có mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh tiền mặt, quà tặng hiện vật cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một cách tri ân người lao động.

"Doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào thỏa ước lao động, cải thiện tiền lương và thưởng để giữ chân người lao động trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt", ông Phòng nhấn mạnh.

Chăm lo đời sống người lao động

Năm 2025, dự báo tình hình xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu tích cực, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, đến nay, nhiều đơn vị ngành may đã có đơn hàng hết quý 1/2025, một số đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 5/2025. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinatex, năm 2025 sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong ngành may.

"Ngoài cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề hoặc với các doanh nghiệp ngành nghề khác, một trong những nguyên nhân lớn khiến ngành dệt may thiếu hụt lao động là tỷ lệ lao động nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động khá cao", ông Hiếu nói.

Để chăm lo đời sống người lao động, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả,...

Theo kế hoạch có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).

Với May Hưng Yên, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm tới cũng có nhiều khởi sắc khi đơn hàng đã ký đến tháng 6/2025, giá cơ bản giữ như năm 2024. Doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu 616 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng…

Để ứng phó với những khó khăn, thách thức đang diễn biến phức tạp, thời gian tới, Tổng công ty May Hưng Yên xác định tập trung ổn định thị trường cũ, phát triển thị trường mới tiềm năng; đào tạo và nâng cao kỹ năng, trình độ của đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động; tiếp tục nâng cao thu nhập và tăng cường chăm lo đời sống mọi mặt của người lao động…

Còn Công ty CP Tiên Hưng cũng luôn coi người lao động là nguồn lực chính, ngoài thưởng tết bằng tiền cho người lao động, Công ty CP Tiên Hưng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các trường hợp công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo…, kết hợp với tổ chức công đoàn tiến hành thăm, tặng quà riêng cho các gia đình với mức hỗ trợ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/hộ.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuong-tet-nganh-det-may-da-giay-duoc-cai-thien-ro-ret-20250108153853840.htm
Zalo