84,7 triệu khách hàng cá nhân đã xác thực sinh trắc học
Theo đại diện Vụ Thanh toán, NHNN, đến ngày 6/1, toàn hệ thống có hơn 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã được đối chiếu sinh trắc học, chiếm trên 72% tổng số lượng khách hàng cá nhân có phát sinh giao dịch trên kênh số.
Đại diện NHNN cho biết, trong năm 2024, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ đó, hoạt động động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.
Đặc biệt trong năm vừa qua, NHNN đã tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Đáng chú ý, vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 17/TT-NHNN/2024 về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư 18/TT-NHNN/2024 về hoạt động thẻ ngân hàng; Thông tư 40/TT-NHNN/2024 về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo quy định, chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ, chủ ví điện tử chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng tổ chức) áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Việc kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của khách hàng theo quy định này chỉ cần thực hiện một lần trước khi thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử; không yêu cầu khách hàng phải xác thực thông tin sinh trắc học đối với từng giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.
Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN thông tin, để đáp ứng mốc thời gian 1/1/2025, nhiều tháng qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai nhiều phương án truyền thông, hướng dẫn, khuyến khích khách hàng triển khai đối chiếu thông tin sinh trắc học. Đồng thời bố trí, tăng cường nguồn lực, thiết bị phục vụ trực tiếp tại quầy giao dịch để hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn trong thực hiện cập nhật sinh trắc học qua ứng dụng.
“Nhiều ngân hàng bố trí nhân viên làm việc kéo dài trong cả ngày cuối tuần, ngày nghỉ để hỗ trợ việc cập nhật thông tin sinh trắc học tại quầy, đáp ứng lượng khách hàng đến cập nhật thông tin sinh trắc học tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Có ngân hàng cam kết tiếp tục tăng cường cho đến hết tháng 1/2025 để phục vụ khách hàng”, ông Lê Văn Tuyên cho hay. Đến ngày 6/1, toàn hệ thống có hơn 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã được đối chiếu sinh trắc học, chiếm trên 72% tổng số lượng khách hàng cá nhân có phát sinh giao dịch trên kênh số. Một số ngân hàng đạt tỷ lệ khách hàng đăng ký sinh trắc học rất cao. Tại VietinBank và BIDV tỷ lệ này là 83%, Vietcombank là 92% và Agribank là 66%.
Về việc thí điểm dịch vụ Mobile Money, ông Tuyên cho biết, chương trình này đã góp phần không nhỏ vào Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tính đến 1/2025, tổng số tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money là 10,14 triệu tài khoản, trong đó khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa có 7,26 triệu tài khoản đăng ký. Có đến 11.889 điểm kinh doanh thiết lập dịch vụ Mobile Money; tổng số điểm chấp nhận thanh toán qua dịch vụ Mobile Money đạt 276.224 điểm. Từ khi triển khai, tính đến tháng 11/2024, tổng số lượng giao dịch nạp, rút tiền, thanh toán qua Mobile Money đạt 181 triệu giao dịch, tổng giá trị 6.193 tỷ đồng. Đại diện Vụ Thanh toán cho biết, NHNN đã thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trình Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn thí điểm về Mobile Money.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động TTKDTM; các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định 52/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng…