Thương nhân phối vẫn được phép mua bán xăng dầu của nhau?
Tiếp thu ý kiến của các thương nhân, Bộ Công thương nói sẽ trình thêm phương án thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán lẫn nhau (như quy định hiện hành), tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.
Liên quan tới ý kiến về quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối trong Nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương vừa có thông tin mới.
Theo Vụ Thị trường trong nước, tiếp thu ý kiến của các thương nhân, Bộ sẽ trình Chính phủ 2 phương án:
Phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nêu ưu điểm của phương án này, Bộ cho biết, sẽ giúp cắt bỏ việc mua bán xăng dầu lòng vòng qua các thương nhân phân phối xăng dầu tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được nhu cầu tiêu thụ trong nước, giúp cắt giảm chi phí kinh doanh trong chuỗi cung ứng.
Nhược điểm là thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường hơn, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, thương nhân phân phối hoàn toàn có thể trở thành thương nhân đầu mối nếu có nhu cầu và đáp ứng các quy định.
Phương án 2: Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Phương án này phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu, tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, nhược điểm là chưa thực hiện đúng ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra. Không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
Đồng thời, có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.
Quy định không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau là nội dung gây nhiều tranh cãi, được các thương nhân nêu ý kiến nhiều nhất trong các dự thảo mà Bộ Công thương đưa ra trước đó.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lập luận: Không cho mua bán xăng dầu qua lại lẫn nhau đối với thương nhân phân phối nhằm tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá bán lên cao… là "không có cơ sở và đi ngược quy luật thị trường" và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định, nhiều thương nhân phân phối cho rằng, "Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền".
Các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Bởi, quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn nhiều, ngoài ra còn tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
Theo Bộ Công thương, thực tế, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường do trách nhiệm đảm bảo nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Việc thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.
Hơn nữa, theo ý kiến của cơ quan kiểm tra, thanh tra qua quá trình kiểm tra, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng thêm chi phí trong khâu này dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, đồng thời khó kiểm soát nguồn cung.