Thương mùa nắng hạ
Trời nắng chang chang rồi bất chợt đổ mưa, đất phương Nam luôn như thế, mưa nắng cứ bất chợt đi qua. Năm nay, nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn dự đoán Nam bộ bước vào mùa mưa sớm. Dân quê sống với ruộng đồng, bắt đầu trông trời, trông đất, trông mây… mà tính toán chuyện vụ mùa, xuống giống.

Rau trái mùa hè. Ảnh: ĐỖ TÌNH
Làm ruộng, vườn hay làm rẫy, mùa mưa là vốn liếng quý giá của đất trời ban tặng, để cây trái trổ bông, lúa kết đòng đòng. Nhưng trông đứng trông ngồi thì cũng phải đi qua cái nắng ong ong trên đầu, mưa mới về. Cái nắng tháng 3, tháng 4 về cùng những vườn trái chín sum sê, mà người ta hay ví như mùa lễ hội trái cây Nam bộ. Chôm chôm, nhãn, xoài, sầu riêng, măng cụt… vào mùa ngọt vị, đậm hương, cứ thế mà theo chân thương lái tỏa đi khắp các tỉnh thành, mang một mùa hương sắc phương Nam thơm ngọt.
Trái ngon là phải vừa chín tới trên cành, ươm đủ cái nắng thì ngọt đậm đà hương vị, cũng bởi thế mà người ta thơm thảo tặng nhau, dù chỉ một vài trái đầu mùa cũng quý. Khi những cơn mưa chuyển mùa ngày càng nhiều, trái cuối vụ độ ngọt cũng nhạt đi ít nhiều, mà hễ đi chợ mua trái cây thì người bán hay thòng một câu: “Thông cảm nghen, mấy nay mưa quá nên không ngọt bằng mấy bữa trước nha”. Cũng không cần phải hỏi rõ, hay bắt buộc phải giải thích tận tường, như một mặc định của tự nhiên, trái cây miền nhiệt đới hễ mưa nhiều thì ít ngọt hơn khi nắng… Và bao đời nay, dân miệt vườn sông nước Cửu Long cũng chẳng ai bắt bẻ chuyện ngọt nhạt, bởi nắng mưa là chuyện của trời, cây trái thuận tự nhiên cũng là lẽ muôn màu của cuộc sống.
Cái nắng của trời hạ không chỉ ươm mùa trái ngọt, mà còn hong khô cả vị mặn mà của đất quê nhà, khô cá phơi đủ nắng vừa giữ được lâu, chiên hay nướng cũng thành đặc sản. Trong nhịp sống đô thị hóa ngày càng nhanh, khô cá quê nhà cũng một bước lên các sàn thương mại điện tử, đặc sản khô một nắng được khách săn đón nhiệt tình. Bởi con cá vừa hong đủ cái nắng ong ong ngoài trời, để phần thịt săn lại, thấm chút muối đậm đà, chút tiêu ớt dậy mùi thì tay nghề nấu nướng dở đến đâu, chiên hay nướng lên cũng thành một bữa đặc sản, đủ sức bước vô nhà hàng, chễm chệ ở vị trí đầu tiên của thực đơn.
Và trong cái chói chang của trời nắng hạ, còn hong cả gia tài của má. Giàn mướp, mấy dây đậu, hay cây đậu bắp ngoài vườn, má để dành trái già ngắt, đậu bắp khô quắt trên cây, chỉ chờ người ta chạm tay vào là rụng ngay, đem vô nhà tách lấy hột để dành mưa xuống trồng. Mấy trái mướp già, lấy xơ làm bùi nhùi rửa chén, hạt để dành làm giống. Chuyện bếp núc trong nhà, mùa nắng má cũng tranh thủ dạy đám con gái đủ thứ công chuyện vén khéo. Mùa hè, sen cũng trổ đầy ngoài ao, bông lài rồi bông bưởi, tranh thủ mà phơi khô ướp trà, lớp uống lớp để dành mỗi ngày 2 cữ trà nóng, thơm lừng cho tía.
Cái nắng hè làm ngọt mùa trái chín, nhưng nước ngoài sông, rạch hay mấy con mương quanh nhà lại phèn, chua. Mùa nắng, nước mưa như của hiếm, nước sông muốn xài thì cứ lóng phèn, cũng có cái tạm rửa tay, rửa chân, hay rửa mớ cuốc xẻng cho bớt bùn đất vừa cuốc, xới ngoài vườn… Và trong cái nắng ong ong, oi ả đó còn ươm cả một trời tuổi thơ, mà có khi nắng cháy vàng hoe cả tóc, nhưng vẫn mải miết đuổi theo từng cánh diều, chạy khắp cánh đồng quê. Để rồi, mơ ước bay thật cao thật xa, đến khi trưởng thành lại thấm thía cái nắng vàng ươm mà thương một mùa hạ, tảo tần, lam lũ và cũng ngọt hương quê nhà.