Thương mời…
Từ độ được ông bạn tống (add) và một nhóm (group) facebook có tên Hội Giai Nhân, tôi bỗng dưng chăm đi khám phá các món ăn hẳn ra. Chẳng phải muốn đẹp thì phải giảm cân ư? Vậy mà tại sao tôi lại 'ham ăn' hơn sau khi được vào cái Hội Giai Nhân ấy nhỉ?
À, chẳng qua cũng chỉ do cách nói lái. Giai Nhân tức là Dân Nhai. Cái hội kể trên thực tế chỉ là một nhóm những anh chị em “ham ăn” và muốn chia sẻ với nhau những địa điểm ẩm thực thú vị mà thôi. Còn “giai nhân” hay không thì tùy mắt nhìn.
Cái sự chăm ăn của tôi kể từ lúc trở thành “Giai Nhân” nó đến từ hai lý do. Thứ nhất là ngày nào cũng được xem ảnh, bài viết đánh giá món này, món nọ ở quán kia, tiệm ấy, đâm ra tò mò và bị kích thích. Tò mò, kích thích thì phải đi tìm ăn bằng được. Ăn thấy ngon miệng, dĩ nhiên sẽ quay lại, không chỉ một mình, mà còn dắt theo người quen, người thân. Thứ đến là do cũng tự cho mình thuộc diện “khôn mồm” nên sau khi được ăn ngon từ gợi ý của các “Giai nhân” khác rồi, mình cũng nên trở thành một “dân nhai” biết chia sẻ kinh nghiệm cho đồng bọn. Như thế mới có đi có lại, mới có trách nhiệm cộng đồng.
Từng đánh giá một tiệm phở gà ngon “rực người” và một hàng ốc ngon “nhức nách” được kha khá “giai nhân” trong hội gật đầu ưng ý, tôi đâm tự tin hẳn trong quá trình “đi để ăn và chia sẻ” này. Và trong một buổi sớm thảnh thơi, tôi chợt nhận ra rằng kể từ khi mình chuyển qua chỗ ở mới, tôi chưa từng khám phá mấy con phố quanh quanh có món gì hay ho. Sáu tháng trời, quả thực tôi có lỗi với chính nơi mình sống, có lỗi với chính mình, có lỗi cùng “giai nhân”.
Nghĩ thế là xỏ vội đôi giày, tôi rảo bộ một vòng. Chọn con đường tay phải (không hiểu sao tôi luôn bắt đầu từ nhánh bên phải?), tôi tản bộ một vòng trong cái nắng sớm. Khu Cô Giang, quận Nhất quả thực nhộn nhịp và đa dạng thật. Phở, bún, cháo lòng, cơm tấm… cái gì cũng có hết. Và chính cái đa dạng ấy đã khiến thằng tôi phải đi thêm một vòng nữa, khi mà nỗi phân vân về chuyện chọn món nào để ăn quà sáng vẫn còn lấp đầy trong lòng khiến mình bước qua tiệm nào cũng dùng dằng bước chân.
Rồi tôi nhận ra có một cái tiệm dễ thương nằm khiêm tốn bên góc hẻm nhỏ. Cửa tiệm nhìn ra hướng đông nên nắng sớm tràn vào tận bên trong. Nhưng nhìn gạch bông kiểu cũ, cái cửa sổ kiểu cũ, dàn cây leo mảnh mai cũng cũ cũ, tôi lại thấy không phải ngại gì cái nắng xiên xiên kia. Nhưng có nên vào ăn không nhỉ? Nỗi phân vân vẫn còn. Tôi đi qua, rồi quyết định quay đầu lại, nhìn hẳn vào trong quán thật kỹ. Và ở lần thứ hai dùng dằng ấy, tôi quyết bước chân vào sau khi nhìn một dòng hai chữ xinh xinh ở dưới cùng của cái biển chào.
Tiệm bán mì Quảng. Giá cả cũng phải chăng. Đắt nhất cũng chỉ 55 ngàn cho một tô đặc biệt. Nhìn rổ rau xanh non, sạch sẽ, tươm tất là tôi đã thấy ưng rồi. Và khi nhẩn nha ăn từng muỗng mì nhỏ nhỏ, tôi hiểu mình đã không quyết định sai lầm. Nước mì nấu theo kiểu Đà Nẵng chứ không rặt Quảng Nam nhưng vẫn thơm, ngọt và ngậy. Miếng sườn non, miếng gà gọn ghẽ, mềm, được xử lý kỹ nên không còn mùi hoi. Con tôm cũng được lựa kỹ lưỡng và sợi mì cả trắng, cả vàng đúng chất Quảng khiến tôi nhớ những ngày hè năm xưa ở quê ngoại vô ngần. Ăn xong tô mì, ngồi nhìn con nắng ngoài hiên, tôi sực nghĩ “chắc chắn mình phải chia sẻ chốn này cùng các “giai nhân” khác”.
Nói là làm, tôi đã viết bài chia sẻ cùng tấm ảnh chụp tô mì thật hấp dẫn lên cái chốn “Giai nhân” ấy. Và thứ mà tôi khen ngợi nhiều nhất, cũng là thứ kéo chân tôi vào quán ấy, chính là hai chữ nhỏ xinh trên tấm bảng chào. Chẳng là cái bảng chào cũng chính là cái menu được phóng to ra với tên các món ăn cùng giá tiền được liệt kê ra. Nhưng ở dưới cùng, hai chữ “Thương Mời” khiến tôi bị khuất phục hoàn toàn. Thay cho những “Xin mời”, “Kính mời”, “Xin chào”… khô khốc và khách sáo, hai tiếng “Thương mời” nó gần gũi đến lạ. Nó tạo cảm giác chủ quán coi khách như con cháu của mình vậy. Và tôi nhớ tới bà già chủ tiệm. Chắc bà ấy cũng ở tuổi mẹ tôi. Và bà hào phóng vô cùng. Khách xin thêm cái gì cũng được. Toát ra ở bà là kiểu chu đáo của một chủ nhà tiếp bạn bè mình chứ không phải một chủ tiệm đang phục vụ “thượng đế”. Cái chu đáo ấy, cùng cái thương mời, ai chạm vào mà chẳng ưng.
Sau bài đăng, đã có những “giai nhân” trong hội đến ăn và ai cũng khen nức lòng. Không biết, họ có bị hai tiếng “Thương mời” kia làm cho xúc động như tôi hay không. Nhưng tôi tin, ở trong dòng người tấp nập mỗi ngày vẫn hối hả đi qua con phố nhỏ này, ắt sẽ có ai đó bị hai chữ “Thương mời” ấy cuốn chặt lấy mình. Nó như là câu hát mà ông Trịnh Công Sơn từng hát “Một lần chợt nghe, quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi, nghe tiếng rất nhu mì”. Cái từ “Thương” ấy luôn vang lên trong tôi, như giọng nói của bà con đằng ngoại mỗi lần tôi về Quảng Nam thăm họ. Nghe kể chuyện, họ cứ bật ra “thương hỉ, thương hỉ”. Cái thương ấy, ôi, sao mà thấy thương gì đâu.
Hai tiếng “Thương mời” ấy thực sự có bao giờ được dạy ở một trường ẩm thực, giao tế nào hay không? Nhân viên ngành ẩm thực, ngành dịch vụ chiêu đãi luôn được dạy về sự chu đáo, lịch thiệp và nhiều những ngôn từ chứng tỏ cho khách hàng họ ở một tầm đẳng cấp rất khác. Nhưng những thứ lịch sự nhưng phù phiếm, sang trọng nhưng xa cách kia có thể thắng nổi trái tim của khách hàng dễ dàng như cái gần gũi nhưng tinh tế của “Thương mời” hay không? Tôi tin là không. Và tôi biết, nhiều người cũng tin là không.
Có ai ghé ngang khu Cô Giang, quận Nhất, nhớ ghé kiếm tiệm mì Quảng có lời “Thương mời”. Thử đi, tin tôi, để thấy cái tiếng “Thương mời” ấy nó chiếm lấy lòng mình nhẹ nhàng đến mức nào và cũng có khi để nhớ rằng ở quê mình, vẫn có những người “thương hỉ, thương hỉ”…