Thương mại Việt - Trung: Động lực đến từ các FTA

Quan hệ thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang được củng cố thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các khung khổ hợp tác...

Động lực đến từ các FTA

Năm 2025 là một năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025) và cũng là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.

Đáng chú ý, cuộc điện đàm ngày 15/1 của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp của “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”, thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, định hướng cho các hoạt động hợp tác hiệu quả giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Những năm gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới. Ảnh: Cấn Dũng

Những năm gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới. Ảnh: Cấn Dũng

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Đáng chú ý, quan hệ thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang được củng cố thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hoặc thông qua các khung khổ hợp tác mà hai bên cùng là thành viên.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.

Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế - thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Năm 2024, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD. Ảnh: Hải Hưng

Năm 2024, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD. Ảnh: Hải Hưng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại ở mức kỷ lục với thị trường Trung Quốc, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD) trong hơn 3 thập kỷ tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991.

Trong quan hệ thương mại, vấn đề giảm tình trạng nhập siêu của Việt Nam và ổn định xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đã từng bước được giải quyết. Trung Quốc đã tích cực mở cửa cho hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nước này. Năm 2022, hai nước đã lần lượt ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc.

Hiện hai nước đang thúc đẩy “kết nối cứng” về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh, nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.

Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 17/1, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ cho biết, kết nối cơ sở hạ tầng hai nước có nhiều điểm sáng, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh được triển khai nhịp nhàng, dự án ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn ở miền Bắc Việt Nam đang được thúc đẩy nhanh chóng, hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, chuyển đổi năng lượng… ngày càng phát triển, hợp tác thực chất được tăng cường với trình độ công nghệ và chất lượng cao.

Ưu tiên thúc đẩy "6 hơn" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Theo Bộ Công Thương, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Theo đó, khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh và liên tục cải thiện thứ hạng trong những năm qua. Đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 31,8 tỷ USD. Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%).

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầng mức cao hơn, sâu sắc và thực chất hơn. Ảnh: Bình Dương

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầng mức cao hơn, sâu sắc và thực chất hơn. Ảnh: Bình Dương

Cũng nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình cho rằng, hiện nay là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầng mức cao hơn, sâu sắc và thực chất hơn. Hai bên cần tập trung thúc đẩy thực hiện, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao về việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng Chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.

Theo đó, cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả cụ thể. Củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ hai bên, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam; tập trung triển khai những dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt - Trung.

Trong đó, coi triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng) là ưu tiên cao nhất trong hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giữa hai bên; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch...

Năm 2024, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên đạt hơn 205 tỷ USD, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD) trong hơn 3 thập kỷ tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-trung-dong-luc-den-tu-cac-fta-370221.html
Zalo