75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Lấy con người làm trung tâm cho mối quan hệ hướng tới tương lai
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, phóng viên Pan Deng, Biên tập viên tin tức của Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) có bài viết về tầm quan trọng, vai trò trọng tâm của người dân mỗi nước trong việc vun đắp và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực trong tương lai.
Ngay trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau tuyên bố chính thức khởi động Năm giao lưu nhân văn Trung - Việt.
Nhà báo Pan Deng cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gắn bó mật thiết nhưng cũng trải qua những thăng trầm. Trong bối cảnh đó, những người hàng xóm có trách nhiệm sẽ tìm cách cùng nhau tiến về phía trước. Tương tác giữa hai nước ngày càng toàn diện hơn, bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề chính cả hai bên cùng quan tâm.
Động lực này vượt ra ngoài phạm vi ngoại giao Nhà nước, mà bao gồm ngày càng nhiều hơn những người dân bình thường. Sự kết nối của trí tuệ cũng quan trọng như cơ sở hạ tầng và các quyết định chính trị gắn kết các quốc gia.
Lãnh đạo và tầm nhìn chung
Nhà báo Pan Deng nhấn mạnh, trong cuộc gặp gần đây, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên bố rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục bảo vệ lợi ích cốt lõi của nhau, mở rộng hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai Đảng và hai Chính phủ. Ý nghĩa của những thông điệp cấp cao nằm ở vai trò của chúng trong việc xây dựng các chính sách khả thi, hiệu quả cho quan hệ hai nước trong những năm tới.
Theo nhà báo của CGTN, tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo hai nước dựa trên lịch sử, truyền thống hợp tác lâu dài, nhấn mạnh bản chất hướng tới tương lai của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tác giả Pan Deng cho rằng, mặc dù các tuyên bố và văn bản chính thức rất quan trọng, nhưng chúng càng có sức lan tỏa hơn trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày của người dân hai nước.
Từ những kết quả hữu hình đến tiếng nói của người dân, có thể nói rằng tầm nhìn này có sức lan tỏa đối với những người dân ở cả Trung Quốc và Việt Nam, những người mong muốn tăng trưởng thương mại ổn định, khám phá giao thoa văn hóa và một môi trường hòa bình để phát triển thịnh vượng. Những người nông dân cung cấp nông sản qua biên giới, các nhà phát triển công nghệ cộng tác trực tuyến hoặc sinh viên hy vọng được học tại các trường đại học của nhau… Tất cả những nhân tố thường ngày này đều có vai trò, đóng góp vào việc đảm bảo mối quan hệ chính trị ở tầng nấc rộng lớn hơn diễn ra tốt đẹp giữa hai nước.
Phóng viên Pan Deng cho rằng, trong những năm qua, hai nước đã thích nghi với những thay đổi toàn cầu và đã gặt hái được lợi ích chung từ sự hợp tác thực tế, hiệu quả. Với phạm vi của những thách thức đương đại, từ địa chính trị, kinh tế, môi trường đến đến sức khỏe, thì việc hai nước láng giềng duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ là điều hợp lý.
Tầm quan trọng của giao lưu nhân dân
Sức mạnh ngoại giao không chỉ nằm ở các hiệp định thương mại hay các chuyến thăm chính thức mà còn ở những mối liên kết hàng ngày được hình thành giữa người dân hai nước. Các lễ hội văn hóa, chương trình thành phố kết nghĩa, trao đổi sinh viên và du lịch làm nổi bật bản chất nhân văn của mối quan hệ song phương, đồng thời thúc đẩy lòng tin và đặt nền tảng cho sự hợp tác lâu dài.
Theo phóng viên CGTN, các sáng kiến thiết lập các quan hệ hữu nghị giữa các địa phương Trung Quốc và Việt Nam đã mang lại những kết quả thực tế: cải thiện năng suất nông nghiệp, thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường và tổ chức các hội chợ thương mại địa phương giới thiệu hàng hóa và dịch vụ mới cho người tiêu dùng. Động lực này đang ngày càng gia tăng. Chỉ riêng tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc, 21 thành phố đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các đối tác Việt Nam.
Giáo dục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác. Các trường đại học ở Trung Quốc đã chào đón nhiều sinh viên Việt Nam. Ở chiều ngược lại, thanh niên Trung Quốc đang khám phá nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và học tập kinh nghiệm. Những trải nghiệm này đôi khi vun đắp những mối quan hệ cá nhân kéo dài sau khi tốt nghiệp, rời khỏi nhà trường - những liên hệ này góp phần giúp cho mối quan hệ chính trị rộng lớn trở nên bền chặt hơn. Trước sức mạnh của những kết nối như vậy, hai nước láng giềng đã nhấn mạnh cam kết mở rộng khả năng tiếp cận học bổng, các dự án nghiên cứu hợp tác và các sáng kiến văn hóa.
Ngoại giao văn hóa và du lịch
Trên bình diện Ngoại giao văn hóa, lĩnh vực đã góp phần mở rộng ý tưởng, thiện chí của người dân hai bên thành các buổi trình diễn về di sản, nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tổ chức các Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại các thành phố lớn, với các buổi biểu diễn nhạc dân gian, múa rối nước và thưởng thức ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam.
Việt Nam đã mở cửa đón các lễ hội văn hóa Trung Quốc, bao gồm các buổi triển lãm về thư pháp Trung Quốc, võ thuật và múa dân gian...Thông qua các sự kiện này, những người tham dự có thêm cơ hội thể khám phá điểm tương đồng giữa truyền thống dân gian hoặc các giá trị chung kết nối hai nền văn hóa.
Du lịch cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Trung Quốc khám phá vẻ đẹp của cảnh quan, ẩm thực và sự hiếu khách của Việt Nam, trong khi du khách Việt Nam tìm kiếm những điểm thu hút đa dạng ở các địa phương rộng lớn của Trung Quốc.
Phóng viên CGTN nhấn mạnh rằng, thông qua những chuyến đi, giao lưu, trao đổi sinh động đó, người dân có thể trực tiếp cảm nhận thực tế của về cuộc sống của nhau - một trải nghiệm góp phần xua tan tin đồn và thúc đẩy sự hiểu biết thực sự. Khi các gia đình, học sinh hoặc du khách trở về nhà với những câu chuyện đáng nhớ và sự tôn trọng đối với xã hội của nhau, mối quan hệ song phương sẽ có thêm sức mạnh vô hình không dễ bị xói mòn.
Kỷ nguyên số và kết nối con người
Nhà báo Pan Deng cho rằng, công nghệ số đã thay đổi cách các nước láng giềng giao tiếp trong thế giới ngày nay. Họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể xem phát trực tiếp hoặc theo dõi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội ở bên kia biên giới.
Nhạc pop Việt Nam có thể thu hút người hâm mộ ở các vùng Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, trong khi phim truyền hình Trung Quốc thu hút lượng lớn khán giả ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Thông qua mạng xã hội, sinh viên đại học có thể tổ chức các nhóm thảo luận trực tuyến trong khi những doanh nhân có thể chia sẻ các sáng kiến khởi nghiệp kinh doanh xuyên biên giới.
Hai nước cũng đã đạt được sự đồng thuận về vai trò của truyền thông và thương mại điện tử trong việc thắt chặt mối quan hệ. Những kết nối số này có vẻ nhỏ, nhưng chúng giúp phá vỡ các khuôn mẫu, giúp mọi người có cái nhìn trực tiếp về lối sống, thời trang, nghệ thuật và thậm chí là sự hài hước của nhau.
Hợp tác kinh tế và thương mại
Thật không đầy đủ khi nói về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam mà không đề cập đến bức tranh hợp tác kinh tế. Phóng viên Pan Deng nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một trong những đối tác thương mại năng động nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thương mại xuyên biên giới đã tăng vọt, tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh cho cả hai bên. Tính đến năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã vượt mốc 200 tỷ USD trong ba năm liên tiếp.
Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó là đóng góp miệt mài của các doanh nhân, tài xế xe tải, công nhân nhà máy và nhân viên dịch vụ…Chính những nỗ lực của họ là những nhân tố góp phần vào duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương. Nhà báo Pan Deng nhấn mạnh, một quan hệ đối tác bền vững phải đảm bảo rằng các con số tăng trưởng được chuyển thành lợi ích hữu hình cho người dân của cả hai bên. Trung Quốc và Việt Nam hiện đang tập trung vào sự hợp tác kinh tế, thương mại “cân bằng và bền vững” - một lời nhắc nhở quan trọng rằng thương mại phát triển tốt nhất là khi có sự tin tưởng, công bằng và động lực nâng cao mức sống của người dân ở cả hai bên.
Vai trò của công chúng
Nhà báo Pan Deng cho rằng, trong bối cảnh các điều kiện quốc tế tiếp tục thay đổi cùng với các công nghệ mới đang định hình lại cách tương tác của công chúng. Nếu hai nước cam kết hợp tác - chia sẻ kiến thức, tôn trọng lợi ích của nhau và nâng cao mối quan hệ văn hóa - họ sẽ củng cố vị thế của mình và tiếp tục là minh chứng sống động và hình mẫu về cách các nước láng giềng có thể làm việc cùng nhau để hướng tới các mục tiêu chung.
Đặc biệt, tương lai tươi sáng cho các cuộc trao đổi giáo dục và chuyên môn sâu sắc hơn, nhất là khi ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm cơ hội xuyên biên giới. Mở rộng học bổng, cùng nhau theo đuổi nghiên cứu và tổ chức các sự kiện văn hóa chung có thể đảm bảo rằng cả hai bên sẽ càng hiểu được quan điểm của nhau ngay từ đầu.
Phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng. Báo, tạp chí, chương trình truyền hình và nền tảng trực tuyến có thể nêu bật những câu chuyện thành công và khuyến khích những người khác tham gia. Trong khi tin tức giật gân về xung đột đôi khi chiếm hết các tiêu đề, thì những ví dụ tích cực về tinh thần đồng đội hoặc khám phá văn hóa có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ giữ một tâm trí cởi mở.
Với lập luận như trên, nhà báo Pan Deng cho rằng, những câu chuyện về các doanh nhân, tình nguyện viên và sinh viên sẽ thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam và những câu chuyện như thế xứng đáng phải được chú ý nhiều hơn.
Nhà báo Pan Deng nhấn mạnh, nếu hai nước tiếp tục hỗ trợ quá trình hiện đại hóa của nhau, tôn trọng sự khác biệt và xây dựng lòng tin từ cấp cơ sở, họ có thể tiếp tục là một lực lượng ổn định trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần bày tỏ ý tưởng tạo ra một "Cộng đồng chia sẻ tương lai" - một cách tiếp cận khuyến khích các quốc gia coi mình là đối tác hưởng lợi từ phúc lợi chung. Ý tưởng rộng lớn đó cộng hưởng mạnh mẽ trong bối cảnh hai nước láng giềng, xét đến lịch sử đan xen, điểm tương đồng về văn hóa và sự bổ sung về kinh tế của nhau.
Đối thoại và hợp tác là xu thế
Nhìn lại 75 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phóng viên Pan Deng nhận định, rõ ràng là hành trình quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, bao gồm cả những thành công và thách thức, nhưng trên hết là sự kiên trì, bền bỉ. Hai quốc gia, được định hình qua các cuộc cách mạng và hiện đại hóa nhanh chóng, đã vượt qua được những rạn nứt lịch sử và liên tục quay trở lại đối thoại và hợp tác.
Các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao gần đây giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã nhấn mạnh cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên, như các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh, cốt lõi thực sự của tình hữu nghị này nằm ở những người dân bình thường. Họ học tập, giao thương, đổi mới và du lịch qua biên giới. Chính trong những trải nghiệm hàng ngày của họ, các từ "láng giềng", "bạn bè" và "đối tác" trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Nhà báo Pan Deng cho rằng, các nhà lãnh đạo hai nước có thể ra các tuyên bố và các tiêu đề kỷ niệm các cột mốc quan trọng. Nhưng mỗi khi một du khách mang về nhà mình những ấn tượng tốt đẹp, hoặc một sinh viên kết thúc một học kỳ bổ ích ở nước ngoài, nền tảng của tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam lại càng trở nên vững chắc hơn.
Nếu cả hai bên tiếp tục đầu tư vào sự hợp tác thiết thực vì lợi ích chung, nhất quán với tầm nhìn thiện chí láng giềng thực sự, thì có mọi lý do để hy vọng rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ có thêm nhiều thập kỷ quan hệ hòa bình, thiết thực và hiệu quả trong một cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước.