'Mở khóa' đưa hàng Việt đi sâu hơn vào thị trường bán lẻ Trung Quốc

Để 'mở khóa' đưa hàng hóa của Việt Nam đi sâu hơn vào thị trường bán lẻ ở Trung Quốc đang rất cần các doanh nghiệp Việt kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng với các đầu mối thương nhân, nhà thu mua và phân phối lớn, cũng như gia tăng sự hiện diện tại những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng. Bên cạnh đó, nên khai thác tốt kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để vừa bán hàng và vừa quảng bá ở thị trường láng giềng đông dân này.

Mới đây, tỉnh Bến Tre và CTCP Thương mại Mini Số Việt Nam (một doanh nghiệp có liên quan đến hệ sinh thái của nhà bán lẻ Miniso ở Trung Quốc) đã ký kết các hợp đồng quan trọng để xuất khẩu (XK) chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc.

Kỳ vọng kết nối chặt chuỗi cung ứng

Đây được xem là bước tiến quan trọng góp phần vào mục tiêu nâng tổng kim ngạch XK dừa của Việt Nam lên 1 tỷ USD trong tương lai gần. Để làm được điều đó, “thủ phủ dừa” Bến Tre (với sản lượng dừa đạt 700 triệu trái/năm) đến nay đã có hơn 133 mã số vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói đạt chuẩn XK chính ngạch. Ngành công thương tỉnh này đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tỉnh tiếp cận các nhà phân phối của Trung Quốc nhằm xây dựng liên kết thương mại bền vững cho sản phẩm dừa tươi.

Để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường bán lẻ ở Trung Quốc đang cần doanh nghiệp Việt kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng với các đầu mối thương nhân, nhà thu mua và phân phối lớn.

Để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường bán lẻ ở Trung Quốc đang cần doanh nghiệp Việt kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng với các đầu mối thương nhân, nhà thu mua và phân phối lớn.

Nên nhắc thêm, việc trái dừa tươi của Việt Nam có được sự hợp tác với những nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc sẽ giúp cho mức độ “phủ sóng” hiệu quả và đến gần hơn với người tiêu dùng nước này.

Đứng ở góc độ là nhà bán lẻ, nhà thu mua lớn dành sự quan tâm đến hàng Việt, ông Herman Xu, Tổng giám đốc Phụ trách Chất lượng, Tập đoàn Miniso (một chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu của Trung Quốc, chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu hàng ngày), cho biết Miniso có thể kết nối chuỗi cung ứng của Việt Nam với nhu cầu sản phẩm không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.

Theo ông Herman Xu, chuỗi cung ứng của Việt Nam có nhiều lợi thế về đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường, điểm đến của quá trình dịch chuyển sản xuất từ Đông Bắc Á, hệ thống cảng rộng khắp, lợi thế về sản phẩm. Tuy vậy, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh năng lực sản phẩm, điều quan trọng là cần đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại.

Từ đánh giá nêu trên, với lợi thế được đánh giá cao như vậy, điều cần làm cho hàng hóa Việt Nam khi nhắm đến XK vào thị trường Trung Quốc là nên tăng cường hợp tác với các đầu mối thương mại, nhà bán lẻ, các nhà phân phối lớn ở đây. Bên cạnh đó, việc gia tăng sự hiện diện trong những hoạt động xúc tiến thương mại (như các hội chợ kết nối với thương nhân Trung Quốc) cũng là điều mà các DN Việt nên để tâm nhiều hơn

Chẳng hạn như chia sẻ của ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Lào Cai trong hội nghị chiêu thương (tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 12/11) về Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung - Việt) năm 2024, đó là các DN Việt sẽ có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường, nắm bắt kỹ về logistics qua biên giới và kinh tế thương mại Việt - Trung.

Ông Cường cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai tạo sẽ điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho DN Việt Nam khi tham gia vào hội chợ kinh tế ở biên giới nêu trên (sẽ tổ chức tại huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ ngày 26/11 đến ngày 1/12/2024) với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dược liệu; máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hóa chất, vật liệu xây dựng; hàng điện tử, điện lạnh, đồ điện gia dụng; hàng giày dép; tiêu dùng; đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ.

“Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% phí, lệ phí cho phương tiện, người, hàng hóa tham gia hội chợ khi thông quan qua cửa khẩu. Các đơn vị và DN tham gia hội chợ được miễn tiền thuê gian hàng (trong 200 gian hàng phía Trung Quốc dành cho phía Việt Nam). Ưu tiên cho các DN có sản phẩm XK và sản phẩm có tiềm năng XK sang thị trường Trung Quốc”, ông Cường nói.

Đây cũng là một hoạt động nằm trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại năm 2024 trên cơ sở hợp tác phát triển thương mại giữa hai tỉnh Lào Cai, Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc.

Nên khai thác tốt kênh online xuyên biên giới

Thực tế cho thấy Trung Quốc thường xuyên tổ chức các hội chợ ngành nông sản thực phẩm khắp các tỉnh, thành. Cho nên, để tiếp cận được sâu hơn vào thị trường bán lẻ nước này thì phía Việt Nam nên tổ chức nhiều đoàn DN vừa và nhỏ trong ngành hàng nông sản thực phẩm, để qua đó nắm bắt tốt thị hiếu, xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng Trung Quốc.

Ngoài việc tham gia vào các hội chợ để kết nối giao thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng rất cần đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhằm tận dụng lợi thế đưa hàng hóa Việt vào sâu thị trường Trung Quốc.

Xét về việc bán hàng qua kênh TMĐT ở thị trường bán lẻ Trung Quốc, thực tế cho thấy 3 - 4 năm gần đây có không ít DN Việt đã nhanh chóng tiếp cận được. Như trong ngành hàng thủy sản có CTCP Vĩnh Hoàn đã đưa các sản phẩm cá tra chế biến lên sàn Alibaba để vừa phục vụ bán hàng và vừa quảng bá thương hiệu ở nước này. Nhất là khi người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua sàn TMĐT thường là giới có thu nhập khá, có hiểu biết và tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm đã được quảng bá, giao dịch trên sàn TMĐT.

Và cùng với công ty nêu trên, đã có hàng chục DN khác trong ngành thủy sản với các sản phẩm như tôm đông lạnh, tôm sấy khô, cá ngừ đại dương, cá ngừ đóng hộp…cũng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT ở Trung Quốc. Nhờ đó đã giúp thâm nhập vào thị trường bán lẻ ở những thành phố của nước này như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…

Giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần khai thác tốt kênh TMĐT trong XK thủy sản sang Trung Quốc. Bởi vì đây là kênh phân phối đang phát triển mạnh trong các kênh phân phối bán lẻ hàng hóa ở Trung Quốc. Trong đó, thủy hải sản thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua trực tuyến (online) nhiều trên các website.

Người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng, khi hàng hóa Việt Nam có trên các trang TMĐT tức là phía DN Việt đã có cam kết về chất lượng. Vì thế, TMĐT có thể là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp XK qua thị trường này.

Điều này cho thấy việc nhắm đến kênh TMĐT là điều mà các DN Việt nên lựa chọn để có thêm một kênh để thâm nhập sâu thị trường bán lẻ Trung Quốc. Nhất là cần tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, cũng như tính ưu việt của các sàn giao dịch TMĐT xuyên quốc gia để tăng cường quảng bá sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Vũ Vinh Phú, hàng hóa Việt Nam vẫn còn qua các trung gian, đầu mối trước khi đến hệ thống phân phối của Trung Quốc. Cho nên các DN Việt cần tăng cường làm việc, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị của họ nhằm đưa hàng hóa trực tiếp vào các kênh phân phối này. Có như vậy sẽ giảm được giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, dễ dàng hơn trong xây dựng thương hiệu tại thị trường quan trọng này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mo-khoa-dua-hang-viet-di-sau-hon-vao-thi-truong-ban-le-trung-quoc-1103604.html
Zalo