Thương mại Việt Nam - Thái Lan: Động lực từ 'Ba kết nối'

Chiến lược 'Ba kết nối' trong đó có việc tăng đầu tư, du lịch sẽ là động lực, tác động hiệu quả trong việc nâng thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 25 tỷ USD.

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan từ ngày 15 - 16/5/2025.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2026), dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Gần 50 năm qua, quan hệ hai nước Việt Nam - Thái Lan đã phát triển tích cực, trong đó kinh tế, thương mại là một trong những trụ cột hợp tác trọng tâm.

4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 6,88 tỷ USD. Ảnh: Hồng Phúc

4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 6,88 tỷ USD. Ảnh: Hồng Phúc

Dẫn số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, chiếm đến 24% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực này.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thái Lan đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Một số hàng hóa truyền thống của Việt Nam xuất sang Thái Lan đều giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2024 như: Dệt, may (đạt 289 triệu USD, tăng 23,8%); Rau quả (đạt 278,2 triệu USD, tăng 73,7%); Thủy sản (đạt 258.6 triệu USD, tăng 2,6%); Cà phê (đạt 170,3 triệu USD, tăng 51,8%)...

Chiều ngược lại, năm 2024 Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Thái Lan để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước như: Ô tô nguyên chiếc các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện gia dụng và linh kiện...

Tiếp tục đà tăng trưởng, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 6,88 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,6 tỷ USD, tăng 1,4%; nhập khẩu đạt trên 4,2 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng, văn hóa, du lịch, giáo dục... đạt nhiều kết quả thực chất. Hai nước cũng duy trì phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cơ chế hợp tác thuộc Tiểu vùng sông Mê Công...

Đáng chú ý, hợp tác giữa các địa phương của hai quốc gia là điểm nhấn quan trọng. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN. Mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng thực chất, sâu rộng đóng góp lớn vào quan hệ hợp tác chung giữa hai quốc gia.

Những năm qua, hai nước cũng thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Thái Lan được thành lập và tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất vào năm 2012 tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan đồng chủ trì. Tới nay, hai Bên đã tổ chức 4 Kỳ họp. Trong thời gian tới, hai bên xác định tiếp tục duy trì cơ chế Ủy ban hỗn hợp thương mại để tạo ra những động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong hợp tác thương mại, song Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh.

Hai nước Việt Nam - Thái Lan đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mốc 25 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Đạt được mục tiêu này, Đại sứ Phạm Việt Hùng cho biết, hai nước cần rà soát tiến độ triển khai các kế hoạch, sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có sáng kiến “Ba kết nối”.

Đại sứ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh, chiến lược “Ba kết nối”, trong đó có việc tăng đầu tư và du lịch song phương sẽ là động lực, tác động rất hiệu quả trong việc làm tăng kim ngạch thương mại.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến Việt Nam, hai bên sẽ tiến hành họp Nội các chung lần thứ 4, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương.

Dưới sự đồng chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của hai Thủ tướng, hai bên sẽ rà soát, giải quyết những vấn đề đang đặt ra và xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực.

Ba kết nối bao gồm: Kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành như như lọc hóa dầu, nông nghiệp và sản xuất máy móc và linh kiện điện tử; kết nối các doanh nghiệp và địa phương của hai nước; kết nối các chiến lược phát triển bền vững, bao gồm Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam đến năm 2030 và Mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) của Thái Lan.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-thai-lan-dong-luc-tu-ba-ket-noi-387524.html
Zalo