Để Thủ đô xanh bền vững
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh... thành phố Hà Nội đã xây dựng định hướng, tầm nhìn 'chiến lược xanh' vào hai quy hoạch và Luật Thủ đô sửa đổi. Song song với các chiến lược dài hại, Hà Nội cũng đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với định hướng 'Xanh, thông minh, thành phố kết nối toàn cầu'.
Ưu tiên “vấn đề nóng”
Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất cả nước, đây là cơ hội cũng là thách thức, chính vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, các cấp chính quyền Thủ đô đều kiên định mục tiêu phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Với Hà Nội, đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện, quản lý năng lượng hiệu quả và đặc biệt là các vấn đề về môi trường.
Tại diễn đàn “Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững” được tổ chức mới đây, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII cho rằng, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, đặc biệt lãnh đạo Thành phố luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, PGS. TS Bùi Thị An cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Lấy ví dụ về câu chuyện “làm sạch” sông Tô Lịch mà thành phố Hà Nội đã và thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình, PGS.TS Bùi Hoài An cho rằng, sông Tô Lịch không của riêng ai, nó là của chung nhân dân Thủ đô, gắn liền với cả quá trình phát triển của Thủ đô, do đó Thành phố cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn và đặc biệt là người dân Thủ đô…
Nhấn mạnh công tác quản lý chất thải rắn đô thị, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Các địa phương cần sớm xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch phân loại tại nguồn; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt, đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia; thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp Quốc gia, cấp vùng...”, TS. Nguyễn Trung Thắng chia sẻ.
“Bền vững” với từng địa bàn
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ Tướng phê duyệt, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2050 là thành phố toàn cầu “Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng”, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, quy hoạch chung cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực môi trường như: Diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10-12 m2/người; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%.
Nhiều ý kiến cho rằng, những mục tiêu kể trên hoàn toàn có thể được thành phố Hà Nội có thể hoàn thành trong thời gian ngắn tới đây khi mà các dự án về môi trường đáp ứng đúng tiến độ, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là sự “bền vững” thực sự. Nhấn mạnh câu chuyện “phát triển đô thị xanh” cần được nhìn nhận dưới góc độ riêng của từng đô thị và Hà Nội cũng như vậy, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, mặc dù Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường tại Thủ đô, nhưng có thể nói những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xây dựng và phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Thành phố cần xác định rõ các mục tiêu phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững phù hợp với từng quận, huyện. Cụ thể, tại các huyện xa trung tâm, khu vực nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều nông nghiệp thì giao thông không phải là vấn đề trong công tác xanh hóa đô thị, vấn đề ở đây là tình trạng đốt rơm.
Ngoài ra, TS Hoàng Dương Tùng cũng đề cập đến câu chuyện Thành phố cũng cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, công tác thu gom rác thải. Trong đó cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công tác đẩy mạnh cơ giới hóa, điều chỉnh đơn giá, định mức thu gom vệ sinh môi trường theo cơ chế thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, đời sống của những công nhân vệ sinh môi trường; cần công khai các thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, chất lượng không khí… để người dân cùng nắm được, từ đó có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo môi trường.
“Để phát triển đô thị xanh bền vững, sự tham gia của cộng đồng là không thể thiếu. Chính quyền và các tổ chức xã hội đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của người dân. Việc hưởng ứng của cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn làm đẹp thành phố, duy trì bản sắc văn hóa, lịch sử của Hà Nội”, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.