Thương mại điện tử đạt doanh thu 25 tỷ USD
Sự bùng nổ kinh tế số giúp quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm nay đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.
Doanh thu thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD
Dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vẫn “bùng nổ” với doanh thu hơn 25 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20%, chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định là phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Thực tế, đà tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đã bắt đầu từ trước đại dịch, với mức tăng trưởng bình quân 25-28%/năm, song trong giai đoạn 2020-2021, hoạt động này có phần chững lại (tăng trưởng 16-18%/năm). Tuy nhiên, 3 năm gần đây, mảng kinh doanh này đã có sự tăng trưởng bùng nổ và vươn lên mạnh mẽ.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% (tăng 4 tỷ USD) so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Như vậy, chỉ tính riêng 2 năm 2023-2024, doanh thu thương mại điện tử tăng thêm 8,5 tỷ USD.
Năm 2024, với quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Nguồn: Bộ Công thương
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thương mại điện tử vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng kênh bán này. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company mới nhất cho biết, năm 2024, nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt. Báo cáo nhận định, quy mô nền kinh tế số Việt Nam cán mốc 36 tỷ USD trong năm 2024, trong đó thị trường thương mại điện tử tiếp tục là trụ cột chính, với đóng góp hơn 22 USD (thực tế đạt 25 tỷ USD).
Thương mại điện tử đã dần thay đổi thói quen mua sắm của người Việt để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại của thế giới. Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong năm 2024.
Việt Nam hiện có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19, nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.
Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD, tạo không gian tăng trưởng rộng lớn cho thương mại điện tử. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ lên trên 20%. Hiện tại, thương mại điện tử không chỉ phát triển ở đô thị, mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.
“Đau đầu” quản lý chất lượng hàng hóa
Song hành với quy mô thương mại điện tử ngày càng phình to, quản lý nhà nước về lĩnh vực này càng khó và phức tạp hơn do thiếu quy định điều chỉnh riêng biệt.
Bộ Công thương thừa nhận, còn gặp khó trong quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới do các quy định chưa đủ mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nền tảng xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức như Temu, Shein thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp.
“Văn bản pháp lý về thương mại điện tử dù đã có các quy định về việc rà soát, kiểm soát, xử lý các thông tin vi phạm, nhưng hoạt động vi phạm trong không gian mạng diễn ra ngày một tinh vi, đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn”, theo Bộ Công thương.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh chia sẻ, trước sự phức tạp của thị trường hàng hóa, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2024, quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử. Hiện tại, 63/63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định thành lập Tổ thương mại điện tử.
Trong năm 2024, đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Nhưng không chỉ là câu chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm, mà thương mại điện tử tăng trưởng nhanh cũng bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, tác động xấu tới môi trường.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử kéo theo nhiều tác hại môi trường, như phát thải trong đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và đặt đồ ăn online.
Năm ngoái, hoạt động kinh doanh trực tuyến và giao đồ ăn của Việt Nam vượt 20 tỷ USD. Tính ra, lĩnh vực này thải ra môi trường 160.000 tấn bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần.