Thương mại điện tử chiếm lĩnh 2/3 giá trị nền kinh tế số

Sáng ngày 3/1/2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số

Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hóa trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số. Các công ty đa quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư, thương mại xuyên biên giới.

Trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19 và biến động địa chính trị toàn cầu.

Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn tiếp tục được dự đoán giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% và tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.

Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia Hội nghị tổng kết

Các đại biểu tham gia Hội nghị tổng kết

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, địa phương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cũng như thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực.

Về công tác xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý, chính sách về thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và hoạt động kinh tế số bao gồm 14 dự án Luật, 22 Nghị định thuộc nhóm nội dung, 09 Nghị định thuộc nhóm chế tài, 06 Thông tư và các văn bản khác.

Thực hiện tổng kết Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 645/QĐ -TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở tổng kết, cùng với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Cục đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Kế hoạch đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi

Về công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử, trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website thương mại điện tử và 583 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký.

Bên cạnh đó, tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo trật tự an toàn trong môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Cục đã yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu website/ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và website/ứng dụng thương mại điện tử rà soát gỡ bỏ nhiều sản phẩm vi phạm theo phản ánh từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, Cục cũng đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các sản phẩm từ động vật hoang dã và các thiết bị bẫy, lưới, các thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã; các thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng), thiết bị kích sóng điện thoại di động; sản phẩm bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm,… trên các website thương mại điện tử bán hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử không đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký. Song song với đó tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến tên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới là 1 trong 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới là 1 trong 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Về hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều hoạt động hợp tác đa phương (trong khuôn khổ APEC, trong khuôn khổ ASEAN), hợp tác song phương, hoạt động hội nhập nổi bật, được các nước trong khu vực đánh giá cao.

Về công tác phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương, Cục đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa, có ảnh hưởng sâu rộng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số như: Chuỗi sự kiện “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday, Diễn đàn Chuyền đổi số ngành Công Thương 2024, …

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý và điều hành thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý là vấn đề kiểm soát các chủ thể tham gia, đặc biệt là người bán nước ngoài, cùng với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các mô hình thương mại điện tử mới và thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra nhiều yêu cầu mới cho khung pháp lý hiện hành.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, công tác chuyển đổi số cũng gặp phải một số khó khăn như hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nguồn nhân lực hạn chế và thiếu sự phối hợp giữa các cấp.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.

Tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. Song song với đó, Cục sẽ tiếp tục xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-chiem-linh-2-3-gia-tri-nen-kinh-te-so-131972.htm
Zalo