Thương mại, dịch vụ - Điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế
Vượt qua những khó khăn, thách thức, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TMDV) của tỉnh trong năm 2024 đã có một năm phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế, đóng góp chung vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2021 - 2025). Diễn biến xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt... đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Nhiều nước gia tăng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp bảo hộ thương mại, áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với xuất, nhập khẩu; nhiều doanh nghiệp lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục khó lường, nhất là tác động của bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân của nhiều địa phương; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, tỷ lệ tồn kho cao.
So với cùng kỳ năm trước, một số chính sách sách kích cầu được gia hạn muộn hơn như giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dẫn đến các tháng đầu năm sức mua trong nước thấp, tỷ lệ tồn kho cao.
Trong bối cảnh đó, tỉnh kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các lĩnh vực KT-XH.
Về phía các doanh nghiệp, tiểu thương, để nâng cao sức cạnh tranh, các hộ kinh doanh, đơn vị đã nỗ lực nâng cao năng lực điều hành, phân phối và tìm ra hướng tiếp cận khách hàng mới. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Nhật Quỳnh, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) với chuỗi 12 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Tata Mart trên toàn tỉnh.
Nỗ lực tạo dựng uy tín, thương hiệu và có chiến lược riêng với các phương châm giá luôn luôn rẻ; dịch vụ tận tâm; diện tích rộng rãi và mặt hàng đa dạng; trực tiếp với các nhà cung cấp lớn, đơn vị sản xuất, hạn chế khâu trung gian giúp hạ giá thành sản phẩm..., chuỗi cửa hàng tiện ích Tata Mart đang ngày càng thu hút người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh bởi sự thuận tiện, chất lượng và phong cách phục vụ khách hàng nhiệt tình, chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Bá Quyền, Giám đốc chuỗi siêu thị Tata Mart cho biết: "Năm 2024, doanh thu của đơn vị ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Tiếp đà phát triển, trong năm 2025, Tata Mart dự kiến sẽ mở thêm 10 siêu thị mini nữa trên địa bàn tỉnh và mở rộng thị trường sang tỉnh Phú Thọ...".
Nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và thích ứng nhanh của các doanh nghiệp, các lĩnh vực TMDV trong năm 2024 đã phục hồi tốt, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Cụ thể, sản phẩm hàng hóa đa dạng về chủng loại và mẫu mã; giá cả ổn định không có biến động lớn. Giao thông vận tải phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa cho sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhiều giải pháp kích cầu du lịch được triển khai đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi đã thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng sau liên tục tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của tỉnh đạt hơn 65.906 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành dịch vụ chiếm khoảng 30 - 31% và ước tăng từ 7,5 -7,8% so với năm 2023.
Năm 2024 đã dần khép lại. Bước sang năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm (2021-2025), đồng thời, là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Bên cạnh những thuận lợi như nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, dự báo sẽ có nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục có những biến động sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Để ngành thương mại - dịch vụ giữ được sự ổn định, đạt tăng trưởng khá, tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các phương án quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại... gắn với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác, đáp ứng quy hoạch không gian đô thị, kết cấu hạ tầng liên vùng.
Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo thế và lực cho các doanh nghiệp tham gia quá trình hội nhập kinh tế.