Thương mại, dịch vụ chuyển mình theo hướng hiện đại

Được xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương mại, dịch vụ (TM - DV) luôn là một trong mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Nhờ sự quan tâm đầu tư, những năm gần đây, ngành TM - DV đã có bước chuyển mình tích cực theo hướng văn minh, hiện đại. Mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, tạo điều kiện cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn phát triển.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 76 cửa hàng tự chọn Winmart+ và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp (DN) và các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh đã có 65 chợ nông thôn được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh lên hơn 106,7 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 chợ hạng 1, 6 chợ hạng 2 và 76 chợ hạng 3.

Hệ thống cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển hiện đại đúng quy hoạch, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với nhiều chủng loại hàng hóa đa dạng, đảm bảo chất lượng và phương thức phục vụ được nâng dần theo hướng hiện đại, văn minh.

Đặc biệt, khi đến các trung tâm thương mại, siêu thị, người dân không chỉ được trải nghiệm mua sắm hàng hóa chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mà còn được vui chơi giải trí và thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng thương mại, các sở, ngành, địa phương đã và đang tập trung phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và các loại hình thương mại trên nền tảng số hóa. Đến nay, hạ tầng TMĐT phát triển mạnh mẽ, hệ thống truyền dẫn trên địa bàn tỉnh được cáp quang hóa 100%, các dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển nhanh và những công nghệ lạc hậu đã dần bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến.

100% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt, 55% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng các kênh thanh toán điện tử...

Sự kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại ngày càng phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt hơn 80,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,04% so với năm 2023. Quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, tăng 11,88% so với cùng kỳ năm trước.

Hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại tại Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đáp ứng nhu cầu mua sắm của đại đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chu Kiều

Hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại tại Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đáp ứng nhu cầu mua sắm của đại đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chu Kiều

Góp phần vào sự chuyển mình của TM - DV, không thể thiếu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; ban hành Kế hoạch hành động số 237/KH - UBND ngày 31/8/2023 thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

Đồng thời chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nói chung, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói riêng; tăng cường trao đổi thông tin với các địa phương, doanh nghiệp để mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp tham gia xây dựng website TMĐT, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực.

Hằng năm, ngành Công thương đều xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng các phương án, kế hoạch cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó trên địa bàn tỉnh theo từng cấp độ. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh...

Phát huy kết quả đạt được, ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh giải pháp quản lý, phát triển TMĐT, đặc biệt đối với xã vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn, hình thành chuỗi liên kết, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương thông qua TMĐT.

Tăng cường công tác quản lý cơ sở kinh doanh xăng dầu, an toàn thực phẩm, kiểm soát ổn định cung ứng hàng hóa thiết yếu. Phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2025 lên 90 nghìn tỷ đồng, tăng 11,42%/năm.

Đồng thời, đưa TM - DV tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127020//thuong-mai-dich-vu-chuyen-minh-theo-huong-hien-dai
Zalo