Thương hiệu - Nội lực mềm của doanh nghiệp

Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,1 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Theo Bộ Công thương, mặc dù thương hiệu quốc gia Việt Nam có những bước tiến đáng mừng, đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, xếp 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Nhưng có trên 70% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô. Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt nhiều nhưng chỉ là “made in Viet Nam”, còn thương hiệu là của doanh nghiệp ngoại.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung.

Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế. Thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thực tế những năm qua, các địa phương đều có kế hoạch triển khai Đề án xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản chủ lực của địa phương. Đặc biệt từ 2018 đến nay, chương trình OCOP giúp thúc đẩy công nghiệp chế biến ở khu vực nông thôn, gắn với các nhãn hiệu. Các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho các địa phương như giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; phân vùng sản xuất; tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra cho các sản phẩm mang nhãn hiệu...

Tuy vậy, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn trong quản lý, sử dụng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; việc hỗ trợ xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu thương hiệu đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương chưa được quan tâm... Lâu nay sản xuất chỉ hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà chưa chú trọng đến tạo giá trị chuỗi sản phẩm, tạo lập liên kết với các hệ thống phân phối uy tín lớn để quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mình sản xuất.

Các chuyên gia khuyến nghị, không có thương hiệu cho sản phẩm cũng đồng nghĩa không có dư địa thị trường nào dành cho hàng Việt, kể cả thị trường trong nước. Ở góc độ khác, xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp. Bởi giá trị mà thương hiệu định vị được càng rõ nét thì độ phủ sóng thị phần sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường càng cao, sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể đi xa và đi sâu vào thị trường thông qua thói quen ghi nhớ tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu.

Để xây dựng được thương hiệu hàng Việt, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành, từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như từ ý tưởng, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính. Xây dựng và phát triển thương hiệu đúng hướng sẽ là cơ sở để khẳng định sự ổn định, vững mạnh và bền vững cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường mở hiện nay.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuong-hieu-noi-luc-mem-cua-doanh-nghiep-post478098.html
Zalo