'Thương chi lạ' mời gọi mỗi người hãy sống chậm, cảm nhận và yêu nhau hơn

Tập thơ 'Thương chi lạ' của nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình mang thông điệp nhân văn gửi đến độc giả, một lời mời gọi mỗi người hãy sống chậm lại, cảm nhận và yêu thương nhiều hơn.

Tập thơ Thương chi lạ (NXB Hội Nhà văn) gồm 86 bài, trong đó có 45 bài thơ tình yêu, còn lại là thơ thế sự, hậu chiến và những tác phẩm viết về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là tập thơ thứ ba, nối tiếp hai tập trước là Bốn mùa thương nhớCòn lại yêu thương, đánh dấu bước trưởng thành và sâu lắng hơn trong phong cách sáng tác của Nguyễn Sỹ Bình.

Nguyễn Sỹ Bình không phải là nhà thơ viết theo lối thông thường. Xuất thân là một người lính, trong thời quân ngũ, ông "vùi đầu đọc sách" để nuôi dưỡng tâm hồn. Sau này, ông viết thơ như một cách để tri ân cuộc sống, tri ân những con người đã đi qua đời mình. "Tôi không định làm thơ đâu, nhưng những vần thơ cứ gieo vào ý nghĩ ngày lẫn đêm nên tôi viết với tất cả tình yêu, say mê và giải tỏa những yêu thương tích tụ trong mình", tác giả trải lòng.

Tập thơ "Thương chi lạ" là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Sỹ Bình, mang thông điệp nhân văn gửi đến độc giả, một lời mời gọi mỗi người hãy sống chậm lại, cảm nhận và yêu thương nhiều hơn.

Tập thơ "Thương chi lạ" là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Sỹ Bình, mang thông điệp nhân văn gửi đến độc giả, một lời mời gọi mỗi người hãy sống chậm lại, cảm nhận và yêu thương nhiều hơn.

Thơ Nguyễn Sỹ Bình là kết tinh của những cảm xúc chân thành, mộc mạc nhưng sâu sắc. Đặc biệt, hình ảnh Huế hiện lên đầy thơ mộng trong các vần thơ, làm nhiều người tự hỏi: liệu có phải ông yêu một người con gái xứ Huế? Thế nhưng, đọc kỹ hơn, Huế trong thơ ông không chỉ là bóng dáng một người thương, mà còn là biểu tượng của quê hương, đất nước. Tình yêu ấy bao trùm mọi hình ảnh, mọi không gian, tựa như dòng chảy bất tận của cảm xúc:

"Huế mùa này nhiều mưa lắm phải không?
Mưa rơi trắng bước em về trên phố…”

hay:

“Mưa xứ Huế sao thấy buồn hắt hiu
Như người thương nhớ về người thương nhớ
Như bài thơ đang viết còn dang dở
Như thấy em một mình bước trong mưa"

Điểm nhấn xuyên suốt trong thơ Nguyễn Sỹ Bình là chữ "Thương". Đây không chỉ là một từ, mà trở thành triết lý sống, là tinh thần bao trùm cả ba tập thơ của ông đã xuất bản liên tiếp từ 2022 - 2024. Nhà thơ dùng chữ "Thương" để nói về tình yêu con người, tình yêu đất nước và cả sự đồng cảm với những nỗi đau, những mảnh đời. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận định rằng: "Tình thương có thể cứu rỗi thế giới, và điều này được Nguyễn Sỹ Bình truyền tải một cách xuất sắc trong tập thơ thứ ba của ông".

Chữ "Thương" trong thơ ông còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như một lời nhắn nhủ đến thế giới đầy rẫy những xung đột: hãy dùng tình thương để hàn gắn, xoa dịu nỗi đau. Cảm xúc trong thơ Nguyễn Sỹ Bình tươi rói, ấm nóng, tràn ngập cảm xúc chân thành và mộc mạc, nhưng cũng đậm tính triết lý.

Với Nguyễn Sỹ Bình, thơ không chỉ là nơi giãi bày cảm xúc, mà còn là phương tiện để tìm đến sự bình an.

Với Nguyễn Sỹ Bình, thơ không chỉ là nơi giãi bày cảm xúc, mà còn là phương tiện để tìm đến sự bình an.

Không chỉ là người viết thơ tình, Nguyễn Sỹ Bình còn mang trong mình phẩm chất của một "thi sĩ công dân". Trong tập thơ Thương chi lạ, ông dành riêng 9 bài thơ viết về Trường Sa, Hoàng Sa. Câu thơ mang đậm âm hưởng của biển đảo quê hương như một lời tri ân đến những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương:

"Trường Sa ơi, chúng tôi đang đến đây
Trên con tàu vượt ngàn hải lý
Đến với các anh tấm lòng trân quý
Mang chân tình của những người hậu phương"

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: "Thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện. Sự lương thiện ấy có tên là Nguyễn Sỹ Bình. Thơ không chỉ là thế tựa giúp anh vượt qua khó khăn, mà còn tạo cho anh những phút giây thăng hoa, thư giãn để tịnh hóa tâm hồn".

Sao Khuê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-chi-la-moi-goi-moi-nguoi-hay-song-cham-cam-nhan-va-yeu-nhau-hon-2358306.html
Zalo