Thuốc và các biện pháp điều trị bệnh basedow ở người lớn
Bệnh basedow là bệnh tự miễn, nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp, biểu hiện đặc trưng gồm bướu giáp lan tỏa, lồi mắt, phù niêm trước xương chày.... Tùy tình trạng bệnh sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Cần lựa chọn phương pháp điều trị basedow như thế nào?
Hiện nay, điều trị bệnh basedow ở người lớn tuổi bao gồm các biện pháp:
- Kiểm soát triệu chứng: Bệnh nhân thường được khởi trị thuốc chẹn beta (nếu không có chống chỉ định) ngay khi chẩn đoán cường giáp. Các thuốc này làm giảm trương lực hệ beta-adrenergic nên làm giảm triệu chứng cường giáp, gồm hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh, run tay... Kết hợp thionamide và chẹn beta cải thiện triệu chứng tốt hơn đơn trị liệu thionamide.
- Giảm tổng hợp hormone giáp: Có 3 phương pháp chính, tùy trường hợp có thể lựa chọn phương pháp phù hợp, gồm thuốc kháng giáp thionamides, điều trị iod phóng xạ, hoặc phẫu thuật. Trước khi sử dụng biện pháp nào, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp có thể kết hợp với nhau.
Đối với điều trị bệnh basedow, mặc dù có phác đồ chung nhưng khi tiến hành điều trị phải cá thể hóa. Điều trị căn cứ vào chi phí, ưu nhược điểm, lợi ích, tác dụng phụ tiềm ẩn, tốc độ hồi phục dự kiến… để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân. Cụ thể như sau:
- Bệnh nhân cường giáp rõ hoặc có nguy cơ biến chứng cao (tuổi cao, kèm bệnh tim mạch) nên khởi trị thionamide kết hợp chẹn beta để nhanh đạt bình giáp. Sau đó có thể tiếp tục điều trị iod phóng xạ, phẫu thuật hoặc duy trì thionamide kéo dài.
- Bệnh nhân cường giáp nhẹ, phì đại tuyến giáp tối thiểu, không có bệnh lý mắt, có thể khởi trị iod phóng xạ điều trị thionamide kéo dài mà không cần điều trị trước bằng thionamide hoặc glucocorticoids.
- Bệnh nhân có bệnh lý mắt mức độ từ vừa đến nặng nên được điều trị bằng phẫu thuật hơn iod phóng xạ (kết hợp corticoids). Điều trị iod phóng xạ có thể làm tình trạng ở mắt nặng lên.
- Bệnh nhân có bướu giáp to, nghi ngờ ác tính hoặc cường cận giáp thì lựa chọn tối ưu là phẫu thuật. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp tốt ở bệnh nhân cao tuổi do nguy cơ tai biến phẫu thuật cao.
Lưu ý: Chống chỉ định điều trị iod phóng xạ cho phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc không thể tuân thủ quy tắc an toàn phóng xạ.
Chống chỉ định điều trị thuốc kháng giáp ở bệnh nhân đã xuất hiện tác dụng không mong muốn (mất bạch hạt hoặc viêm gan).
Các thuốc kháng giáp có nguy cơ gây sinh quái thai, vì vậy phải cân nhắc cẩn thận khi điều trị thời gian dài ở phụ nữ dự định có thai trong 1 - 2 năm tới và nên trao đổi với bệnh nhân về các biện pháp điều trị thay thế khác. Có thể điều trị thuốc kháng giáp kéo dài ở bệnh nhân cao tuổi có chống chỉ định phẫu thuật và điều trị iod phóng xạ hoặc không muốn điều trị triệt để.
Ưu – nhược điểm của các phương pháp điều trị bệnh basedow
- Thionamide:Khi điều trị basedow bằng thionamide có ưu điểm là chi phí điều trị ban đầu thấp, có khả năng điều trị khỏi vĩnh viễn và một số bệnh nhân tránh được tình trạng suy giáp. Tuy nhiên thuốc có những bất lợi gồm:
Tác dụng phụ nhẹ: Phát ban, nổi mề đay, ngứa, rụng tóc, đau khớp, giảm bạch cầu hạt thoáng qua, một số khó chịu ở đường tiêu hóa, nhức đầu, sốt...
Tác dụng phụ nặng hơn gồm: Mất bạch cầu hạt, viêm mạch (hội chứng giả lupus), viêm gan, tim đập nhanh, viêm dây thần kinh ngoại biên; nguy cơ bướu giáp, suy giáp thai nhi ở trường hợp phụ nữ mang thai...
Do đó cần phải theo dõi và làm các xét nghiệm thường xuyên, định kỳ cho bệnh nhân để kịp thời phát hiện ra các tác dụng bất lợi và xử lý kịp thời.
- Điều trị bằng iod phóng xạ có ưu điểm là giải quyết tình trạng cường giáp vĩnh viễn. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm:
Đau sau vùng cổ có thể xuất hiện ngay sau khi điều trị. Tuy nhiên điều này không kéo dài và có thể dùng thuốc giảm đau có thể giúp giảm bớt sự khó chịu này.
Cảm thấy có hương vị kim loại trong miệng, sau vài tuần điều trị triệu chứng này sẽ hết dần.
Buồn nôn, nôn là tác dụng phụ thường gặp, nhưng cũng sẽ mau chóng hết sau vài ngày.
Gây suy giáp (tức là tuyến giáp hoạt động kém). Suy giáp có thể là tạm thời nhưng đa số sẽ bị suy giáp vĩnh viễn. Trường hợp suy giáp vĩnh viễn cần sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp nhân tạo như levothyroxin.
Lưu ý: Trong và sau điều trị phải cách ly an toàn phóng xạ tại phòng chuyên biệt của bệnh viện ít nhất trong 3 ngày. Sau đó bệnh nhân cần tự cách ly bản thân với người khác ít nhất trong 2 tuần. Không được để chất thải lan ra môi trường do nguy cơ chất phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
- Phẫu thuật: Có ưu điểm giúp giải quyết được những bướu giáp quá to, phục hồi lại thẩm mỹ cho người bệnh. Tuy nhiên biện pháp này cũng có những nhược điểm như:
+ Gây suy chức năng tuyến giáp.
+ Gây suy chức năng tuyến cận giáp - một tuyến nội tiết giúp cơ thể duy trì canxi máu bình thường, từ đó gây giảm canxi trong máu.
+ Ảnh hưởng đến dây thần kinh quặt ngược làm ảnh hưởng tới phát âm của người bệnh.
Do đó, chỉ định phẫu thuật điều trị basedow chỉ với các trường hợp bệnh nhân có bướu giáp quá to, nghi ngờ ung thư tuyến giáp hoặc với các bệnh nhân nặng không thể điều trị bằng thuốc và iod phóng xạ.
Cách theo dõi sau điều trị basedow
- Nếu điều trị bằng thionamides cần định kỳ thực hiện xét nghiệm mỗi 4 - 6 tuần. Xét nghiệm này nhằm đánh giá đáp ứng điều trị cũng như dò được liều thuốc tối ưu. Khi đã ổn định được liều thuốc, có thể định kỳ xét nghiệm mỗi 3 - 6 tháng/lần.
- Nếu điều trị iod phóng xạ: Cần thực hiện xét nghiệm các chỉ số FT4, T3, và TSH mỗi 4 - 6 tuần. Sau khi đạt được bình giáp lâu dài hoặc trường hợp bị suy giáp được bổ sung levothyroxine đầy đủ, ổn định thì cần thực hiện xét nghiệm định kỳ mỗi 3 - 6 tháng/lần.
- Phẫu thuật: Bệnh nhân nên khởi trị hormone giáp trước xuất viện. Sau khi ra viện cần được xét nghiệm chỉ số TSH sau 6 - 8 tuần để chỉnh liều hormone giáp bảo đảm TSH ở ngưỡng bình thường.
Đa số bệnh nhân bị tăng cân đáng kể sau điều trị cường giáp. Cần tư vấn nguy cơ tăng cân và chế độ ăn phù hợp.