Thuốc Tamiflu 'cháy hàng', 'đội giá'
Không ít người dân do lo ngại cúm A nên đã tích trữ thuốc khiến Tamiflu 'cháy hàng', 'đội giá'.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51439942/c0806542510cb852e11d.jpg)
Ảnh minh họa
Mất Tết vì cúm A
Theo chị Trần Tú Oanh (ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), từ ngày 25 Tết, 2 con của chị bắt đầu bị sốt cao. Hai hôm sau thì chồng chị cũng mắc bệnh, toàn thân đau nhức, test nhanh thì dương tính với cúm A.
Gần 10 ngày nghỉ Tết, một mình chị Oanh loay hoay với "núi công việc": Bán hàng, dọn hàng, sắm sửa Tết, chăm sóc cho 3 bố con. "Đến hiện tại đã nửa tháng rồi mà cả chồng và các con tôi vẫn ho không dứt", chị Oanh than thở.
Đáng buồn hơn gia đình chị Oanh, cả nhà chị Trần Thị Cúc (ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã phải ăn Tết trong bệnh viện chỉ vì con gái mắc cúm A, bị suy hô hấp. Chị Cúc chia sẻ: "Con gái tôi bị sốt cao 40 độ đúng vào chiều 28 Tết, đến chập tối thì cháu bắt đầu khó thở. Vợ chồng tôi ôm con vào bệnh viện. Các bác sĩ cho con thở oxy ngay. Con bị cúm A, mấy ngày Tết, vợ chồng tôi thay nhau trông con".
Khoảng 1 tháng trở lại đây nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc liên tục tiếp nhận các bệnh nhân đến khám, xét nghiệm và được chẩn đoán mắc cúm A.
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), số bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị do mắc cúm A vẫn đang tăng, mỗi tuần bệnh viện đều ghi nhận hàng chục ca.
"Nhiệt độ thay đổi thất thường đúng thời điểm Tết, việc đi lại giao lưu nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển, lây lan nhanh. Điều đáng nói, khi mắc cúm, đa phần mọi người chủ quan trong những ngày đầu, chỉ uống thuốc hạ sốt sau đó theo dõi ở nhà. Tuy nhiên, những trường hợp mắc cúm tiến triển suy hô hấp rất nhanh, đến bệnh viện đã trong tình trạng nặng, viêm phổi, phải thở máy", bác sĩ Phúc cho biết.
![Bác sĩ tiêm phòng cúm A cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51439942/b6f514372079c9279068.jpg)
Bác sĩ tiêm phòng cúm A cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Nhiều hiệu thuốc "cháy" Tamiflu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo PNVN, tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện tình trạng "cháy" thuốc Tamiflu và giá tăng. "Hiện nay, các đầu mối để nhập thuốc này về đang khan hiếm.
Buổi sáng tôi mới nhập về được 2 hộp Tamiflu thì buổi trưa đã có người mua hết. Có người bệnh được bác sĩ kê đơn thuốc có Tamiflu nhưng thuốc đắt quá nên không mua nữa", một chủ nhà thuốc trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết.
Cả 4 thành viên trong gia đình chị Bùi Thị Huyền (ở quận Hà Đông, Hà Nội) có biểu hiện mắc cúm A từ cuối tháng 1/2025. Để điều trị, chị Huyền đã mua 2 hộp Tamiflu với giá 690 nghìn đồng/hộp 1 vỉ 10 viên ở nhà thuốc Long Châu.
"Biết là giá thuốc đắt hơn so với bình thường hơn 200 nghìn nhưng do cần gấp nên tôi vẫn phải mua", chị Huyền cho biết.
Tại trang web Tra cứu giá thuốc của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 nghìn đồng/viên (gần 450 nghìn đồng/hộp).
Thực tế, ở một số cửa hàng thuốc tại các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm (Hà Nội), 1 hộp Tamiflu được bán với giá 600 - 650 nghìn đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, giá thuốc Tamiflu tăng một phần là do số bệnh nhân mắc cúm A tăng. Phần khác là do nhiều người dân tự ý mua thuốc khi chưa thăm khám, chưa có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí có nhiều người mua về để dự trữ.
"Tamiflu là một loại thuốc kháng virus, nó khiến virus bất hoạt, khó nhân lên được nhưng không diệt được virus đó. Khi dùng Tamiflu, muốn có tác dụng tốt nhất thì phải dùng trong 2 ngày đầu, dùng muộn hơn sẽ không có tác dụng. Nên dùng Tamiflu khi có chỉ định của bác sĩ cho những trường hợp bệnh nặng, có bệnh lý nền, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người già", bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cảnh giác trước những dấu hiệu trở nặng của cúm A
Cúm A có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong. Theo Ths.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), những trường hợp cần đến bệnh viện thăm khám sớm là phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, trẻ dưới 2 tuổi và những trẻ có bệnh tim phổi bẩm sinh, sinh non, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dùng corticoid kéo dài.
Khi người dân có các biểu hiện như sốt cao liên tục không hạ, ho nhiều, gây mất ngủ, đau đầu, tức ngực, khó thở, thở nhanh và nông, SPO2 hạ dưới 95% nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Để phòng cúm A, người dân nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, đặc biệt với những người có bệnh mạn tính. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu, để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 1 tỉ trường hợp mắc cúm mùa, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290.000-650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm vẫn ghi nhận 600.000 - 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa, số ca mắc ghi nhận quanh năm.