Thước phim quay chậm về lịch sử và hào khí dân tộc
Từ khi hoàn thiện và đưa vào khai thác, bức tranh tròn toàn cảnh (panorama) 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã trở thành điểm đến thu hút đông du khách nhất và nằm trong danh sách không thể bỏ qua khi lên với Điện Biên. Sự hùng tráng, kỳ vĩ của bức tranh như một thước phim quay chậm, tái hiện lịch sử và hào khí dân tộc trong những ngày tháng cam go ấy; mang lại thật nhiều cảm xúc và niềm tự hào cho mỗi người xem.
Những cảm xúc chân thật
Một ngày cận kề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ TP. Hồ Chí Minh, Chiến sĩ Điện Biên Trần Quang Triệu mang theo những ký ức hào hùng cùng nỗi nhớ đồng đội khôn nguôi trở lại thăm chiến trường xưa. Sau cuộc “hội ngộ” đồng đội cùng chiến hào, anh em từng kề vai sát cánh đang nằm lại mảnh đất này, ông Triệu rưng rưng cảm xúc bước vào không gian trưng bày bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Tất cả hình ảnh những ngày tháng gian nan, cận kề cái chết nhưng vẫn khí thế, đồng lòng đầy oanh liệt như thước phim quay chậm lần lượt ùa về.
Ông Triệu xúc động chia sẻ: “Bức tranh rất hoàn chỉnh, rất đẹp và ý nghĩa, tái hiện đầy đủ các giai đoạn của Chiến dịch; cuộc sống và chiến đấu của những người trên tiền tuyến; cùng sự gian khổ, hi sinh, góp công sức của nhân dân các dân tộc. Nhìn từng nét vẽ sống động, tôi thấy như chính mình và đồng đội trong khung hình ấy, 70 năm trước không màng sống chết mà tiến công về phía quân thù. Thương nhớ anh em nhiều lắm, người còn người mất. Càng xem kỹ các chi tiết, càng đau đáu nỗi niềm, nhưng tôi cũng luôn tự hào vì Điện Biên Phủ vang dội khắp thế giới, thấy sự cống hiến, hi sinh của thế hệ chúng tôi thêm giá trị”.
Không chỉ những người từng trực tiếp tham gia Chiến dịch, khách phương xa một lần đến chiêm ngưỡng, mà với người dân Điện Biên, dù đã tham quan bức tranh nhiều lần cũng vẫn nguyên vẹn cảm xúc tự hào và choáng ngợp. Anh Nguyễn Nam Khánh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Là người địa phương, tôi đã nhiều lần vào tham quan Bảo tàng và bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng tận mắt bức tranh, lại thêm 1 lần dâng trào cảm xúc tự hào về mảnh đất quê hương, về tinh thần, khí phách dân tộc và biết ơn thế hệ đi trước đã hết mình vì Tổ quốc, làm nên lịch sử hào hùng. Với tôi, để nói về bức tranh thì bao nhiêu giấy bút vẫn chưa đủ”.
Bản hùng ca lịch sử
Bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những hình ảnh được đầu tư công phu, tâm huyết, được xâu chuỗi, kết nối liền mạch sống động; tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giới thiệu: “Bức panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong ba bức tranh tròn lớn trên thế giới. Cũng là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt đây là tác phẩm hội họa về đề tài lịch sử. Bức tranh đồng hiện những khoảnh khắc tiêu biểu, sự kiện điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - được cả thế giới biết đến”.
Bức tranh được vẽ bởi gần 200 họa sĩ, bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, tổng diện tích 3.225m2. Trong đó khắc họa hơn 4.500 nhân vật trong sự hùng tráng ác liệt của Chiến trường Điện Biên Phủ, và mái vòm bầu trời xanh, thể hiện ước mong hòa bình. Tranh được bố cục theo 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.
Qua những hình ảnh chi tiết và dụng ý nghệ thuật, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam, chân dung của cả một thế hệ với hàng ngàn, hàng vạn con người cùng dấn thân vào một trận chiến vĩ đại, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Điểm nhấn trường đoạn 2 là tái hiện trận đánh oanh liệt mở màn vào Trung tâm đề kháng Him Lam với quyết tâm nhất định giành thắng lợi. Trường đoạn 3 mang lại thật nhiều cảm xúc bởi sự khốc liệt của chiến tranh với đợt tấn công thứ hai, đặc biệt là trận đánh tại cứ điểm A1. Để rồi khải hoàn mừng chiến thắng trong khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính phủ Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ; kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.
Với bản hùng ca ấy, Giám đốc Bảo tàng cho biết thêm: “Kể từ năm 2021, bức panorama được đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành phục vụ khách tham quan, đã thu hút đông đảo du khách tới chiêm ngưỡng, góp phần quan trọng tăng lượng khách tới Bảo tàng. Bức tranh còn đoạt nhiều giải thưởng lớn về hội họa, nghệ thuật. Vì thế, cán bộ, nhân viên Bảo tàng càng thêm vinh dự và nỗ lực phát huy giá trị bức tranh; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn, để bức tranh lan tỏa giá trị đặc biệt tới đông đảo công chúng. Cùng với đó tìm tòi, đổi mới để quảng bá và phục vụ khách tới tham quan ngày càng tốt hơn”.
Theo đó, để đáp ứng lượng du khách lớn trong năm du lịch quốc gia và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ ngày 1/4 - 31/5, Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan các tối thứ sáu, thứ bảy hàng tuần, thời gian từ 19 giờ 30 phút - 21 giờ. Riêng 2 ngày 6 - 7/5 (thứ hai và thứ ba), Bảo tàng mở cửa cả buổi tối để phục vụ đại biểu, du khách, người dân về dự lễ kỷ niệm có thêm thời gian tham quan.
Với hình ảnh hào hùng, được xem như một kiệt tác nghệ thuật, cùng những nỗ lực chuyên môn của Bảo tàng, bức panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo nhiều cảm xúc cho người xem, lan tỏa tinh thần dân tộc, giúp cho thế hệ hôm nay càng thêm trân quý các giá trị lịch sử, cùng những cống hiến, hi sinh lớn lao của cha ông.
Từ tháng 4/2022, khi bức tranh được đưa vào khai thác, khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tăng lên 120.700 lượt khách năm 2022; 155.675 lượt khách năm 2023.
Trong quý I/2024, Bảo tàng đón hơn 70.000 lượt khách. Trong dịp cận kề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách tới tham quan Bảo tàng và chiêm ngưỡng bức panorama từ 3.000 - 5.000 lượt khách/ngày, cao điểm 7.000 lượt khách/ngày.