Thuốc nào dùng điều trị Hội chứng thiên thần
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi Hội chứng thiên thần, nhưng việc điều trị sớm, đúng cách giúp kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Những trẻ mắc hội chứng thiên thần Hội chứng thiên thần thường hay mỉm cười và cười không tự chủ, tính cách vui vẻ dễ bị kích động. Trẻ thường chậm phát triển khoảng từ 6 đến 12 tháng tuổi. Động kinh thường bắt đầu từ 2 đến 3 tuổi.
NỘI DUNG:
1. Các thuốc thường dùng trong Hội chứng thiên thần
1. 1. Thuốc chống co giật
1.2. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ
1.3. Thuốc kiểm soát hành vi giảm tăng động, lo âu hoặc hành vi tự kích thích
1.4. Các thuốc hỗ trợ khác
2. Liệu pháp không dùng thuốc
3. Lưu ý khi điều trị
Tuy trẻ mắc hội chứng thiên thần có thể sống bình thường nhưng hiện nay căn bệnh này chưa có phương hướng chữa trị triệt để, việc điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát các vấn đề y tế.
1. Các thuốc thường dùng trong Hội chứng thiên thần
1. 1. Thuốc chống co giật
Động kinh là vấn đề thường gặp ở người mắc Hội chứng thiên thần, các thuốc thường dùng bao gồm:
- Levetiracetam: Levetiracetam giúp kiểm soát các cơn động kinh ở bệnh nhân Hội chứng thiên thần bằng cách giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của các cơn động kinh, đồng thời ổn định hoạt động điện não và giảm khả năng xảy ra các cơn động kinh.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, kích động, thay đổi hành vi, giảm bạch cầu (hiếm gặp).

Những trẻ mắc hội chứng thiên thần thường hay mỉm cười và cười không tự chủ.
- Valproic acid (valproate): Thuốc là một trong những lựa chọn điều trị đầu tiên cho các cơn động kinh ở bệnh nhân Hội chứng thiên thần. Valproic acid có thể giúp kiểm soát nhiều loại cơn động kinh khác nhau, bao gồm cả các cơn động kinh toàn thể và cục bộ.
Tác dụng phụ: Có thể gặp tăng cân, rụng tóc, độc với gan, tăng amoniac máu, dị tật thai nhi (nếu dùng cho phụ nữ mang thai). Cần theo dõi chức năng gan và nồng độ amoniac định kỳ cho bệnh nhân.
- Clonazepam: Có thể giúp kiểm soát các cơn động kinh ở bệnh nhân Hội chứng thiên thần, đặc biệt là các cơn động kinh cục bộ và toàn thể, đồng thời giúp giảm lo âu và căng thẳng, cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân.
Tác dụng phụ: Buồn ngủ, lú lẫn, lệ thuộc thuốc nếu dùng lâu dài.
Chú ý: Nên dùng thuốc liều thấp và ngắn hạn.
- Lamotrigine (lamictal) là một trong những lựa chọn điều trị hiệu quả cho các cơn động kinh, thường được dung nạp tốt và có ít tác dụng phụ hơn so với một số loại thuốc chống động kinh khác.
Tác dụng phụ có thể gặp: Phát ban da (hiếm gặp), đau đầu, mệt mỏi.
1.2. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, thức giấc đêm) là vấn đề phổ biến với những người mắc Hội chứng thiên thần. Một số thuốc có thể được sử dụng để cải thiện giấc ngủ, bao gồm:
- Melatonin: Điều hòa nhịp sinh học thông qua thụ thể melatonin. Melatonin giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và thức, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm thời gian thức đêm và tăng thời gian ngủ sâu ở người bệnh. Ngoài ra, melatonin cũng giúp giảm căng thẳng và lo âu ở nhóm bệnh nhân này.
Tác dụng phụ: Buồn ngủ ban ngày. Lưu ý, khuyến cáo chỉ dùng 1–3 mg/ngày và dùng trước khi ngủ 30 phút.
- Clonidine: Kích thích thụ thể alpha-2 adrenergic, giảm kích thích thần kinh. Clonidine có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân mắc Hội chứng thiên thần bằng cách giảm căng thẳng và lo âu, đồng thời giảm các triệu chứng khác như tăng động và bốc đồng.
Tác dụng phụ có thể gặp: Buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng và hạ huyết áp. Chú ý, người bệnh cần theo dõi huyết áp định kỳ.
1.3. Thuốc kiểm soát hành vi giảm tăng động, lo âu hoặc hành vi tự kích thích
- Risperidone (risperdal): Thuốc ức chế thụ thể dopamine D2 và serotonin 5-HT2, có thể giúp giảm các triệu chứng hành vi như tăng động, bốc đồng và hung hăng, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm lo âu và căng thẳng ở bệnh nhân mắc Hội chứng thiên thần.
Tác dụng phụ: Tăng cân, rối loạn vận động, tăng prolactin máu (gây vô kinh, rối loạn cương). Chú ý, dùng liều thấp, theo dõi cân nặng và triệu chứng ngoại tháp.
- Guanfacine: Giúp giảm các triệu chứng hành vi như tăng động, bốc đồng và hung hăng, giảm lo âu, căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân mắc Hội chứng thiên thần. Thuốc có tác dụng kéo dài, thường được dung nạp tốt và có ít tác dụng phụ hơn so với một số loại thuốc khác. Thuốc hiệu quả với trẻ tăng động, kém tập trung.
Tác dụng phụ có thể gặp: Buồn ngủ, hạ huyết áp, khô miệng, táo bón...

Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện vận động, cân bằng, phối hợp cơ cho bệnh nhân mắc Hội chứng thiên thần.
1.4. Các thuốc hỗ trợ khác
- Thuốc nhuận tràng được dùng trong các trường hợp bị táo bón do giảm vận động hoặc chế độ ăn. Thuốc có thể dùng như polyethylene glycol (PEG), lactulose... Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn tăng chất xơ và uống đủ nước.
- Bổ sung vitamin D và canxi để phòng ngừa loãng xương do ít vận động.
- Bổ sung omega-3 giúp hỗ trợ phát triển thần kinh.
2. Liệu pháp không dùng thuốc
- Vật lý trị liệu: Cải thiện vận động, cân bằng, phối hợp cơ.
- Giáo dục đặc biệt cho trẻ tập trung vào kỹ năng giao tiếp.
- Liệu pháp hành vi là biện pháp tâm lý trị liệu nhằm hỗ trợ bệnh nhân có thể nhận thức được sự ảnh hưởng của hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
3. Lưu ý khi điều trị
Việc điều trị Hội chứng thiên thần cần tuân thủ:
- Tránh tự ý dùng thuốc: Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Việc đáp ứng thuốc khác nhau tùy bệnh nhân, do đó, không dùng thuốc của người khác.
- Theo dõi tác dụng phụ: Đặc biệt với thuốc chống co giật và thuốc an thần.
- Phối hợp đa chuyên khoa: Bác sĩ thần kinh, nội tiết, vật lý trị liệu.
- Tái khám theo lịch hẹn.
- Trong thời gian điều trị, nếu gặp các triệu chứng bất thường cần báo cho bác sĩ để kịp thời xử trí.
Điều trị Hội chứng thiên thần đòi hỏi sự kiên nhẫn và kết hợp giữa thuốc, trị liệu, và giáo dục. Can thiệp sớm giúp sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì?