Thuế Thu nhập cá nhân: Cần mở rộng yếu tố xác định mức giảm trừ gia cảnh

Tại Điều 19 dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế phù hợp mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05% so với khi Luật ban hành.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến tiến độ Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội thông qua vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng Năm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) tại kỳ họp thứ 10 trong tháng Mười, dự kiến trình Quốc hội thông qua dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 5/2026.

Nên xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng

Về đề cương dự thảo Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), một trong những nội dung được đông đảo dư luận quan tâm là Điều 19 quy định giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Điều 19 tại dự thảo Luật quy định giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Trong đó, dự thảo nêu quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung mới. Cụ thể sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với sự thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô, mức sống dân cư trong giai đoạn mới và xu thế phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh việc “neo” hoàn toàn theo CPI, nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh định kỳ (hàng năm hoặc 2 năm) hoặc dựa trên các yếu tố vĩ mô khác.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Sơn La cho rằng để đảm bảo về tính ổn định trong việc tính thuế và dự báo về thực hiện thu ngân sách nhà nước, đề nghị Luật quy định tăng mức giảm trừ cụ thể đối với đối tượng nộp thuế và đối với mỗi người phụ thuộc và không nên xác định theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% bởi rất bất cập.

Về những ý kiến đóng góp của người dân tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, bạn đọc Đặng Việt Hưng nhấn mạnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay đã lỗi thời, điều kiện điều chỉnh (CPI thay đổi 20%) là không phù hợp với diễn biến mặt bằng giá cả tiêu dùng, nhất là tại các thành phố lớn. Bạn này đề xuất dự thảo Luật giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm một lần, thay vì căn cứ vào mức biến động CPI. Điều này sẽ đảm bảo chính sách thuế linh hoạt, thay đổi phù hợp với biến động của đời sống xã hội.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Về điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất mở rộng các yếu tố xác định mức giảm trừ gia cảnh nhằm phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở (cụ thể là từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ). Đặc biệt, Cơ quan soạn thảo lưu ý xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng để phù hợp với chính sách tiền lương của Chính phủ hiện nay đang quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng.

Nội dung đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đang tiếp cận theo hướng cào bằng. Trong khi, pháp luật hiện hành có quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại không xem xét đến yếu tố này. Hơn nữa, giá cả hàng hóa trên thị trường ngày càng tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng. Vì vậy, mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 4,4 triệu đồng/ tháng đối với người phụ thuộc hiện không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.

 Quy định về mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh theo CPI thay đổi 20% là không phù hợp với diễn biến mặt bằng giá cả tiêu dùng, nhất là tại các thành phố lớn. (Ảnh: Vietnam+)

Quy định về mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh theo CPI thay đổi 20% là không phù hợp với diễn biến mặt bằng giá cả tiêu dùng, nhất là tại các thành phố lớn. (Ảnh: Vietnam+)

Các ý kiến đóng góp từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Thái Nguyên, Khánh Hòa, Phú Yên, Trà Vinh cũng cho rằng để phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và mức sống của người dân hiện nay, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thay đổi theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc.

Trong đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dự thảo Luật cần thống nhất đồng bộ với Luật Quản lý thuế đồng thời điều chỉnh tăng mức giảm trừ phù hợp với tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở. Cụ thể hơn, Bộ Quốc Phòng nêu đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 17,3 triệu đồng/tháng đồng thời nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,9 triệu đồng/tháng. Lý do, mức lương cơ sở tại thời điểm Luật ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng song đến nay (tháng 12/2024) đã là 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.

Tương tự, tỉnh Ninh Thuận đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng tăng lên 16 triệu đồng/tháng và tỉnh Sơn La đề xuất tăng lên 14 triệu đồng/tháng. Đối với người phụ thuộc, Ninh Thuận kiến nghị tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng tăng lên 6 triệu đồng/tháng và Sơn La đề nghị tăng lên 5 triệu đồng/tháng. Bởi, các tỉnh này cho rằng cần cân nhắc việc bổ sung các khoản giảm trừ (hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người). Đặc biệt, dự thảo có chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục bằng cách giảm trừ thuế nhiều hơn cho chi phí học tập và các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn. Đồng thời, quy định cần bổ sung việc áp dụng mức giảm trừ cao đối với các trường hợp đặc biệt (người lao động là cha/mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo).

 quy định cần bổ sung việc áp dụng mức giảm trừ cao đối với các trường hợp đặc biệt, như người lao động là cha/mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: Vietnam+)

quy định cần bổ sung việc áp dụng mức giảm trừ cao đối với các trường hợp đặc biệt, như người lao động là cha/mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: Vietnam+)

Sẽ nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính giải trình dự thảo Luật đã đặt ra vấn đề này, song đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung vào làm rõ các vấn đề vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Và, nội dung này sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất khi Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Hơn nữa, Bộ Tài chính khẳng định quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (như ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh…) và thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35% là chưa hợp lý do quá nhiều bậc và giãn cách giữa các bậc quá hẹp.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh là theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp (nhu cầu tiêu dùng khác nhau). Luật thuế Thu nhập cá nhân cũng đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo.

Với mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính cho rằng cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể sẽ được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như các dự báo cho thời gian tới, song không làm giảm vai trò của chính sách thuế Thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.

Về việc điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú. Khoản 2 Điều 22 Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Một số quan điểm cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý do quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Bộ Tài chính cho biết qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp. Cùng với đó, quy định có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Bộ Tài chính cho rằng thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Do đó, phía Bộ Tài chính cho biết việc sửa đổi Biểu thuế Thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và thông lệ quốc tế. Điều này đảm bảo quyền lợi của người lao động và khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.

 Bộ Tài chính cho hay việc sửa đổi Biểu thuế Thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho hay việc sửa đổi Biểu thuế Thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. (Ảnh minh họa)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-can-mo-rong-yeu-to-xac-dinh-muc-giam-tru-gia-canh-post1011706.vnp
Zalo