Thuế tăng cao đột ngột, thuốc lá lậu chiếm 2/3 thị trường Malaysia: bài học nào cho thiết kế chính sách?

Trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về việc tăng thuế thuốc lá, một chuyên gia nghiên cứu dữ liệu của Malaysia cũng đã chia sẻ về bài học quản lý thuốc lá tại đất nước của ông.

Trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội mới đây, ông Pankajkumar, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Dữ liệu Đo lường Malaysia cho rằng Việt Nam và Malaysia có những nét tương đồng về các hoạt động kinh tế, trong đó có vấn đề kinh doanh thuốc lá nên có thể tham chiếu kinh nghiệm của nhau khi thiết kế chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Thuế tăng cao đột ngột khiến thuốc lá lậu tràn ngập Malaysia

Ông Pankajkumar nhận định cho biết Malaysia là một quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao và một trong những phương án mà Chính phủ đưa ra để giải quyết tình trạng này là tăng thuế để khiến thuốc lá trở nên đắt đỏ hơn.

Ông Pankajkumar chia sẻ mức tăng vọt của thuế đã dẫn đến thuốc lá bất hợp pháp tăng phi mã tại Malaysia.

Ông Pankajkumar chia sẻ mức tăng vọt của thuế đã dẫn đến thuốc lá bất hợp pháp tăng phi mã tại Malaysia.

Trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ đã tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Thuế TTĐB tại Malaysia được tính RM220 trên 1.000 điếu thuốc, và mức thuế đã tăng gần gấp đôi, lên RM400 trên 1.000 điếu thuốc vào năm 2015. Điều này khiến giá thuốc lá hợp pháp cũng tăng đột ngột 40 - 50%. Trong khi đó, giá bán lẻ của thuốc lá lậu (không chịu bất kì loại thuế phí nào) thấp hơn rất nhiều so với giá bán lẻ của thuốc lá hợp pháp trên thị trường Malaysia. “Vào cuối năm 2020, gần 2/3 tổng số thuốc lá bán ở Malaysia là hàng bất hợp pháp hoặc buôn lậu”, ông Pankajkumar chia sẻ, nhấn mạnh thêm rằng một số nhà sản xuất thuốc lá tại Malaysia đã lần lượt ngừng hoạt động do các biện pháp thuế quá mạnh tay của Chính phủ nước này.

Thông tin từ PwC Việt Nam cũng cho thấy, sau khi Chính phủ Malaysia tăng thuế vào giai đoạn 2014 - 2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm kể từ năm 2014, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.

Cần có lộ trình hợp lý hơn để các bên liên quan có đủ thời gian chuyển đổi

Còn từ góc nhìn tại Việt Nam, trong buổi họp tổ ngày 22/11 về dự án Luật TTĐB (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, mức tăng như dự thảo hiện nay sẽ tác động rất lớn đến thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời khiến việc buôn lậu thuốc lá tăng lên, trong khi việc ngăn chặn tình trạng này còn nhiều khó khăn.

Việc giá thuốc lá trong nước tăng cao không những không làm giảm mức tiêu thụ mà còn làm tình trạng buôn lậu tăng hơn vì nhu cầu mua thuốc giá rẻ chuyển từ thuốc lá trong nước sang thuốc lá lậu, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng nếu tăng thuế, thuốc lá lậu tăng theo thì rất nhiều khoản bị thất thu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng nếu tăng thuế, thuốc lá lậu tăng theo thì rất nhiều khoản bị thất thu.

Đại biểu thuộc Đoàn Cần Thơ cho biết, nếu trường hợp thuốc lá lậu tăng lên thì rất nhiều khoản không thu được, ví dụ như thuế nhập khẩu, VAT, phí môi trường…; tiêu thụ giảm đi do giá bán tăng lên thì ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước

Tương đồng với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, cần có những nghiên cứu cụ thể về mức sống của người dân khi tăng thuế TTĐB. Phải tính đến sinh kế của rất nhiều hộ dân vùng dân tộc thiểu số tại các vùng trồng nguyên liệu vì không thể ngay lập tức bỏ cây trồng, cũng như mức sống của người lao động trong ngành thuốc lá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu thuế TTĐB tăng cao đột ngột. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá và những hộ kinh doanh và đơn vị thuộc chuỗi cung ứng đều sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy, cần có lộ trình hợp lý hơn để các bên liên quan có đủ thời gian chuyển đổi.

Phát biểu tại tổ mới đây về nội dung này của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm này là cần thiết. Tuy nhiên, quy định tăng thuế như dự thảo là rất đột ngột, một số doanh nghiệp gọi là tăng “sốc”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu tăng theo lộ trình, tăng theo mức độ cho phù hợp để các doanh nghiệp thuốc lá có thời gian điều chỉnh hoạt động, hành vi sản xuất của mình.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đồng tình với việc giữ nguyên quy định mức thuế suất là 75% tại dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc giữ nguyên quy định thuế suất là 75% là hợp lý, bởi nếu mức tăng quá đột ngột sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, cũng như các doanh nghiệp phụ trợ. Hay như đối với người nông dân trồng loại cây này, nếu chúng ta không có lộ trình phù hợp, đột ngột quá thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Một khi các tác động tiêu cực xảy ra với các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân, hệ thống phân phối…thì rất khó để giải quyết trong một vài năm, và đồng nghĩa Việt Nam có thể phải tốn thêm nhiều chi phí và nguồn lực trong thời gian dài để khắc phục các hệ lụy này.

Từ những phân tích trên của chuyên gia Malaysia cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy, thay vì tăng cao và đột ngột như các phương án đang đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc mức tăng thuế thuốc lá vừa phải với lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp và các bên liên quan có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thue-tang-cao-dot-ngot-thuoc-la-lau-chiem-23-thi-truong-malaysia-bai-hoc-nao-cho-thiet-ke-chinh-sach-post1695006.tpo
Zalo