Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giúp giảm lượng phát thải khí tương đương hàng tỉ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính có giá trị tương đương hàng tỉ USD trong 2-3 thập niên tới
Đó là thông tin được nêu tại "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do Báo điện tử VOV tổ chức ngày 26-11.
Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt liên vận quốc tế ở phía Bắc và liên vùng ở phía Nam (TP HCM-Cần Thơ) có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính có giá trị tương đương hàng chục tỉ USD trong 2-3 thập niên tới.
Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia tư vấn thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nếu Việt Nam xây dựng đường sắt lưỡng dụng, chở hàng kết hợp chở khách, dự án có thể tiếp cận được khoản vốn vay ưu đãi từ quỹ Môi trường Xanh toàn cầu khoảng 9 tỉ USD.
"Một xe container có mức phát thải bằng nhiều chiếc xe con, và gấp hàng trăm lần so với vận chuyển đường sắt" - ông Đông chia sẻ.
Về giao thông công cộng và đường sắt đô thị, cả hai thành phố Hà Nội và TP HCM sẽ hoàn thành mạng lưới khoảng 500 km đường sắt đô thị (metro) kết hợp với hệ thống giao thông công nghệ cấp 2 (tàu điện mặt đất) sẽ thay thế hơn triệu xe ôtô cá nhân và hàng chục triệu xe máy chạy xăng, sẽ giảm hàng triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Ông Đông chia sẻ một tin vui từ công nghệ quốc tế là hiện nay đã có công nghệ tàu điện mặt đất (tram) bánh lốp chạy động cơ pin ắc quy như ô tô điện với công suất từ 300-500 mỗi chuyến, 20.000 hành khách/1 giờ, đã và đang triển khai ở Trung Quốc; Dubai, Abu Dabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Kuching (Malaysia), TP Perth (Úc).... với chi phí chỉ bằng 1/5 so với Metro.
"Chỉ cần kiên định chủ trương xây dựng đô thị dựa vào giao thông công cộng thay vì quy hoạch đô thị dựa vào giao thông cá nhân, tại các thành phố có quy mô dân cư là 500.000 người trở lên, mục tiêu giảm phát thải là hoàn toàn hiện thực" - ông Đông nói.
Về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, đánh giá chi phí logistics của Việt Nam cao, dẫn tới vận chuyển hàng hóa trong nội địa có thời gian kéo dài hơn so với từ nước ngoài về Việt Nam. Theo đó, việc xây dựng hạ tầng đường sắt là cần thiết trong giai đoạn tới.
Theo TS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Việt Nam đứng trước thách thức phải hành động ngay từ bây giờ để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại và hướng tới phát triển bền vững.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ước tính khoảng 2 tỉ USD/năm, tương đương 0,8% GDP. Dự báo đến năm 2050, biến đối khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12-14% GDP.
Do vậy, TS Chử Đức Hoàng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xanh, thân thiện môi trường là yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.