Thuế quan của ông Trump bắt đầu phát huy uy lực
Ông Trump và các cố vấn của mình cho biết mục tiêu của họ là khiến thuế quan trở nên 'đau đớn' đến mức buộc các công ty phải sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ.
Các nhân viên hải quan Mỹ bắt đầu thu thuế quan đơn phương 10% theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia vào ngày 5/4, với mức thuế cao hơn đối với hàng hóa từ 57 đối tác thương mại lớn hơn dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới, Reuters đưa tin.
Mức thuế quan "cơ bản" ban đầu 10% do các nhà nhập khẩu Mỹ phải trả có hiệu lực tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan vào rạng sáng ngày 5/4, mở đường cho việc thay thế hệ thống đánh thuế nhập khẩu lâu đời của Mỹ bằng hệ thống thuế quan mới do chính ông Trump thiết kế.
Bà Kelly Ann Shaw, luật sư thương mại tại Hogan Lovells và cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, gọi đây là hành động thương mại lớn nhất trong một thế hệ.
Phát biểu tại một sự kiện của Viện Brookings hôm 3/4, bà Shaw cho biết bà dự kiến mức thuế quan sẽ thay đổi theo thời gian khi các quốc gia tìm cách đàm phán mức thuế suất thấp hơn.
"Nhưng mức này là rất lớn. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong cách chúng ta (người Mỹ) giao dịch với mọi quốc gia trên Trái đất", bà Shaw nói thêm.
Bước đi làm rung chuyển toàn cầu
Thông báo về thuế quan "có đi có lại" của ông Trump vào ngày 2/4, mà ông gọi là "Ngày giải phóng", đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu, gây ra một đợt bán tháo khi nỗi lo về một cuộc chiến thương mại ngày càng gia tăng.
Chỉ số chuẩn S&P 500 đã giảm 6% hôm 4/4, đưa mức lỗ trong tuần lên 9,1%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020.
Giá dầu và hàng hóa lao dốc, trong khi các nhà đầu tư tháo chạy đến nơi trú ẩn an toàn là trái phiếu chính phủ.
Trong số các quốc gia đầu tiên bị áp thuế 10% có Australia, Anh, Colombia, Argentina, Ai Cập và Ả Rập Xê-út.

Một tàu container được nhìn thấy tại Cảng Los Angeles ở California, Mỹ, ngày 4/4/2025. Ảnh: RTE
Reuters dẫn một bản tin hướng dẫn của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) gửi đến các hãng vận tải biển cho biết, không có thời gian ân hạn nào đối với hàng hóa đến bằng đường biển sau 0h00 ngày 5/4.
Nhưng CBP cũng đã đưa ra 51 ngày ân hạn đối với hàng hóa được chất lên tàu hoặc máy bay và quá cảnh đến Mỹ trước 0h00 ngày 5/4. Những lô hàng này cần phải đến nơi trước 0h00 ngày 27/5 để tránh mức thuế 10%.
Vào 0h00 ngày 9/4, mức thuế quan "có đi có lại" cao hơn của ông Trump, từ 11% đến 50%, sẽ có hiệu lực. Hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị đánh thuế 20%, trong khi hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, nâng tổng mức thuế mới của ông Trump đối với Trung Quốc lên 54%.
Ngày 5/4, Bắc Kinh cho biết "thị trường đã lên tiếng" bác bỏ mức thuế quan của ông Trump. Trước đó, gã khổng lồ Đông Á đã áp dụng một loạt biện pháp đối phó, bao gồm cả mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ và hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm.
"Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với Mỹ", ông Trump cho biết trên mạng xã hội hôm 5/4. "Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng. Hãy kiên trì, mọi chuyện sẽ không dễ dàng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử", Tổng thống Mỹ cho biết.
Ông Trump và các cố vấn của mình cho biết mục tiêu của họ là khiến thuế quan trở nên "đau đớn" đến mức buộc các công ty phải sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ. Họ lập luận rằng điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ và đẩy tiền lương lên cao.
"Nếu các vị muốn mức thuế quan của mình bằng 0, hãy xây dựng sản phẩm của mình ngay tại Mỹ", ông Trump nói bên ngoài Nhà Trắng hôm 2/4.
Uy lực của thuế quan
Một trong những câu hỏi lớn nhất là liệu Tổng thống Mỹ có coi những mức thuế quan này là một chiến thuật đàm phán hay không, và có sẵn sàng xóa bỏ chúng để đổi lấy sự nhượng bộ từ các quốc gia khác hay không.
Chính quyền Trump đã đưa ra những tín hiệu trái chiều về vấn đề này. Có vẻ như không có khả năng Tổng thống sẽ xóa bỏ mức thuế quan "cơ bản" 10% mà ông đã ban hành trên toàn cầu. Và nếu chính quyền thực sự muốn xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác, điều đó có thể khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Nhưng trong sắc lệnh hành pháp đã ký, ông Trump cho biết nếu các quốc gia xóa bỏ các hoạt động thương mại không công bằng của họ hoặc thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia đó giảm xuống, thì thuế quan "có đi có lại" có thể được xem xét lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và con trai Eric Trump tại Doral, Florida, ngày 3/4/2025. Ảnh: Getty Images
Kể từ thông báo thuế quan, trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng tìm cách đạt được một thỏa thuận với ông Trump để ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế, những người khác cân nhắc các biện pháp đối phó.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ đến thăm Nhà Trắng vào ngày 7/4, các nguồn tin cho biết, vì một số mặt hàng không xác định từ quốc gia này phải đối mặt với mức thuế 17% theo chính sách mới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba được cho là đang tìm cách trò chuyện qua điện thoại với ông Trump. Tokyo phải đối mặt với mức thuế 24%.
Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti hôm 5/4 cảnh báo về việc áp dụng thuế quan trả đũa đối với Mỹ, cho rằng việc làm như vậy có thể gây ra thiệt hại.
Canada và Mexico không bị ảnh hưởng bởi "đòn" thuế quan đối ứng của ông Trump nhưng hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ vẫn phải chịu mức thuế 25% liên quan đến cuộc khủng hoảng fentanyl ở biên giới với Mỹ, loại trừ các mặt hàng nằm trong khuôn khổ Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Mức thuế mới của ông Trump cũng loại trừ các mặt hàng phải chịu thuế an ninh quốc gia riêng biệt là 25%, bao gồm thép và nhôm, ô tô, xe tải và phụ tùng ô tô.
Chính quyền của ông cũng công bố danh sách hơn 1.000 danh mục sản phẩm được miễn thuế đối ứng, có giá trị 645 tỷ USD vào năm 2024, bao gồm dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và các mặt hàng năng lượng nhập khẩu khác, dược phẩm, uranium, titan, gỗ xẻ, chất bán dẫn và đồng.
Ngoại trừ năng lượng, chính quyền Trump đang điều tra một số lĩnh vực để áp dụng thêm thuế an ninh quốc gia.
Nga không có mặt trong danh sách các quốc gia bị áp thuế quan mới của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Moscow đã được miễn trừ vì các lệnh trừng phạt áp đặt đối với quốc gia này kể từ xung đột ở Ukraine đã thực sự ngăn chặn hoạt động thương mại giữa Mỹ và Nga.
Nhưng dữ liệu thương mại lại vẽ nên một bức tranh phức tạp hơn. Năm ngoái, Nga vẫn xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, theo số liệu thương mại của Mỹ, chủ yếu là phân bón và bạch kim.
Triều Tiên, Cuba và Belarus, những quốc gia cũng phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, cũng bị loại khỏi các mức thuế mới.

Thông báo thuế quan hôm 2/4/2025 của ông Trump đã xóa sổ 5.000 tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán của các công ty S&P 500. Ảnh: RTE
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo ước tính của các nhà kinh tế, mức thuế quan toàn diện của ông Trump và khả năng trả đũa sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của Mỹ, đẩy chi phí lên cao cho người tiêu dùng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Thông báo về thuế quan đã gây ra sự sụp đổ toàn cầu trên thị trường chứng khoán, cho thấy các nhà đầu tư coi đây là hành động có hại đáng kể đối với các công ty niêm yết.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia khác có trả đũa hay không và trả đũa như thế nào. Nhưng nếu họ áp dụng thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ, điều đó có thể gây tổn hại đến các nhà xuất khẩu của "xứ cờ hoa" và có thể gây ra các cuộc chiến thương mại leo thang.
Ở trong nước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome H. Powell hôm 4/4 cảnh báo rằng thuế quan của Tổng thống Trump có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và làm chậm tăng trưởng.
Nhiều nhà phân tích đã nhanh chóng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của họ, cho rằng thuế quan sẽ đẩy giá cả cho người tiêu dùng và chi phí cho doanh nghiệp lên cao, làm chậm nhu cầu và hoạt động kinh tế.
Bà Nancy Lazar, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Piper Sandler, ước tính nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm 1% trong quý II/2025. Trước đó, bà đã dự đoán tăng trưởng một quý không đổi. "Đây là một đòn giáng trực tiếp vào nền kinh tế", bà nói.
Các nhà kinh tế tại Fitch Ratings cho biết trong một lưu ý hôm 3/4 rằng thuế quan đã làm tăng đáng kể nguy cơ suy thoái ở Mỹ. Họ cho biết thuế quan sẽ dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn, làm giảm tiền lương thực tế và gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Minh Đức (Theo Reuters, NY Times)