Thuế quan của Mỹ tàn sát thị trường châu Âu

Cổ phiếu châu Âu lao dốc trong phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, khi thị trường toàn cầu suy thoái mạnh. Tài sản trú ẩn an toàn tăng khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự biến động kéo dài trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng và không có sự hỗ trợ ngay lập tức của ngân hàng trung ương.

Ảnh: AP.

Ảnh: AP.

Cuộc tàn sát thị trường do thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tục diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Thị trường chứng khoán châu Âu đang trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, khi các nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Euro STOXX 50 giảm 6%, đưa mức lỗ trong 3 phiên giao dịch gần nhất lên 14%. STOXX 600 giảm 5,7%, kéo dài mức giảm sau thông báo áp thuế lên 13%. DAX của Đức giảm 7,2%, đánh dấu phiên giao dịch nghiêm trọng nhất kể từ ngày 12/3/2020, trong khi FTSE MIB của Ý giảm 6,5% và IBEX 35 của Tây Ban Nha mất 6%.

Đợt bán tháo mạnh mẽ không kém ở châu Á. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm mạnh 13%, mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1997, trong khi Nikkei của Nhật Bản giảm 8,6% và Composite của Thượng Hải giảm 7%.

Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ cũng cho thấy sự suy thoái mạnh, với hợp đồng S&P 500 giảm 3,8%, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 3,3% và hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm 4,2%.

Tập đoàn tài chính đa quốc gia BBVA cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng: “Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan mới sẽ được ghi nhớ trong lịch sử, vì nó đã gây ra mức giảm 2 ngày lớn thứ tư của S&P 500 kể từ khi thành lập vào năm 1957”.

Thuế quan của Mỹ gây ra sự hoảng loạn cho các nhà đầu tư

Đợt bán tháo này được kích hoạt bởi các biện pháp bảo hộ mới nhất của Donald Trump, bao gồm mức thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sau mức tăng 20% trước đó và mức thuế bổ sung 20% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu.

Trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình, Donald Trump đã bảo vệ động thái này, tuyên bố đây là biện pháp khắc phục “thâm hụt tài chính lớn” và mô tả doanh thu thuế quan là “một điều tuyệt vời đáng chiêm ngưỡng”.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã phản ứng nhanh chóng bằng cách thảo luận về biện pháp trả đũa.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo tuyên bố: “Chúng tôi có các công cụ cần thiết để ứng phó”, phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng về việc trả đũa.

Làm gia tăng căng thẳng cho thị trường, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo hậu quả kinh tế từ thuế quan có thể “lớn hơn đáng kể so với dự kiến”, có khả năng làm tăng lạm phát trong khi làm chậm tăng trưởng. Ông nói thêm Fed không vội cắt giảm lãi suất, làm giảm thêm niềm tin của nhà đầu tư.

Tài chính và công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Các ngân hàng châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bán tháo, với Banco Sabadell giảm 10%, Raiffeisen Bank International mất 9,2% và ING Groep giảm 8,6%. Các mức giảm mạnh khác bao gồm Banco BPM (-7,7%), Commerzbank (-7,6%), CaixaBank (-7,1%), BPER Banca (-6,7%) và Intesa Sanpaolo (-6,3%).

Ngành công nghiệp cũng chịu tổn thất nặng nề. Rheinmetall AG của Đức giảm 15,3%, Safran giảm 10%, MTU Aero Engines AG và Thyssenkrupp đều giảm 9,5%. HeidelbergCement, Leonardo SpA, Airbus và Siemens Energy đều giảm từ 8% đến 9,2%.

Các nhãn hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng, thường nhạy cảm với sự gián đoạn thương mại toàn cầu, cũng giảm mạnh. Kering giảm 9,9%, Richemont giảm 8,2% và Burberry giảm 7,8%. Salvatore Ferragamo, Hermès, Moncler, Adidas, Puma và LVMH báo lỗ từ 6% đến 12%.

Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn tăng vọt

Khi cổ phiếu giảm, các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống thu hút dòng vốn chảy vào. Đồng franc Thụy Sĩ tăng hơn 1% so với đô la Mỹ và đồng yên Nhật cũng tăng giá. Luca Cigognini, nhà phân tích thị trường tại Intesa Sanpaolo cho biết: “Tâm lý tránh rủi ro đang thống trị thị trường tiền tệ”. Đồng euro tăng 0,5% lên mức 1,10 đô la, trong khi đồng bảng Anh chật vật giữ vững.

Thị trường trái phiếu phản ánh sự tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu Bund của Đức giảm 7 điểm cơ bản, đảo ngược mức tăng sau thông báo kích thích tài khóa gần đây của Berlin.

Thị trường hàng hóa cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Vàng giảm 0,5% xuống còn 2.754 euro/ounce, có thể là do chốt lời sau đợt tăng giá gần đây. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục giảm, với giá dầu thô chuẩn toàn cầu giảm 3,6% hôm 6/4, đẩy mức lỗ trong 3 ngày lên 17%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Khi không có dấu hiệu can thiệp của ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị leo thang, thị trường đang chuẩn bị cho sự biến động hơn nữa khi bất ổn kinh tế và thương mại ngày càng gia tăng.

TD (theo Euronews)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thue-quan-cua-my-tan-sat-thi-truong-chau-au-244843.htm
Zalo