Thuế quan của Mỹ đã thay đổi nền kinh tế toàn cầu như thế nào?

Chỉ trong 10 ngày, thị trường toàn cầu bốc hơi 10.000 tỷ USD vì thuế quan Mỹ, khơi dậy làn sóng bất ổn kéo dài.

Ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, khởi đầu cho một chuỗi sự kiện gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu. Trong lịch sử tài chính Mỹ, từng có những tuần đen tối như cuộc khủng hoảng "Thứ Ba Đen" năm 1929, vụ sụp đổ Lehman Brothers năm 2008 hay cú sốc do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Tổng thống Trump trưng bày sắc lệnh hành pháp đã ký tại Nhà Trắng vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Getty

Tổng thống Trump trưng bày sắc lệnh hành pháp đã ký tại Nhà Trắng vào ngày 9/4/2025. Ảnh: Getty

Và giờ đây, thị trường đang chứng kiến thêm một biến cố khác - cú "sụp đổ Ngày Giải Phóng" (Liberation Day) khi loạt tuyên bố áp thuế quy mô lớn của Tổng thống Trump được công bố liên tiếp trong vòng hai tuần.

Tác động từ các sắc lệnh này là vô cùng lớn. Trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/4, giới đầu tư hoảng loạn đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi tới 10 nghìn tỷ USD.

Dù thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ vào cuối tuần, phần lớn các chỉ số lớn vẫn trong vùng điều chỉnh, biến động mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều nhà đầu tư lo ngại những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn vẫn đang chờ phía trước.

Giữa khủng hoảng, bức tranh toàn cảnh về nguyên nhân và hệ quả dần hiện rõ. Nguyên nhân trực tiếp chính là các biện pháp thuế quan - đánh dấu lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, chính phủ Mỹ từ bỏ nguyên tắc thị trường tự do để chuyển sang mô hình trọng thương.

Tuy nhiên, điều khiến thị trường thêm phần hoang mang chính là cách thức triển khai thiếu nhất quán: các mức thuế được ban hành với mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng lại bị đảo ngược hoặc điều chỉnh bất ngờ, không có thông tin rõ ràng từ chính quyền. Việc thiếu đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp càng khiến tâm lý thị trường thêm phần bất ổn.

Phản ứng tiêu cực của thị trường là điều dễ hiểu. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, giới đầu tư đã quay lưng với trái phiếu chính phủ Mỹ - loại tài sản vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn nhất. Một số nhà đầu tư thậm chí còn tìm kiếm sự an toàn ở các thị trường châu Âu và châu Á, cho thấy niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ đang bị lung lay.

Không chỉ dừng lại ở đó, đồng USD cũng chứng kiến đợt lao dốc mạnh mẽ. Các lãnh đạo doanh nghiệp trước đó khá im lặng giờ đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về những tổn hại dài hạn đối với kinh tế Mỹ. Nhiều công ty đang chật vật thích nghi với chuỗi cung ứng bị đảo lộn và nỗ lực tái cấu trúc kế hoạch kinh doanh.

Trong khi đó, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng: giá trứng không giảm, ô tô và nhiều hàng hóa thiết yếu khác có thể trở nên đắt đỏ, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của số đông.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động chưa từng có, các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư cần chuẩn bị ra sao?

Tạp chí Fortune đã mời các nhà báo kinh tế kỳ cựu của mình phân tích sâu sắc bối cảnh hiện tại - từ "bí ẩn" trong thị trường trái phiếu khiến Tổng thống Trump phải lùi bước trước vòng áp thuế mới nhất, cho tới những khuyến nghị thiết thực về điều chỉnh danh mục đầu tư.

Bản báo cáo đặc biệt The Economy In Crisis (Nền kinh tế trong khủng hoảng) tập hợp những bài viết nổi bật gần đây của Fortune, bao gồm đánh giá hiệu suất của các tài sản phổ biến như vàng và Bitcoin, lời khuyên đầu tư khi đồng USD suy yếu, và các thay đổi lớn trong cục diện tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó là góc nhìn về cách những tập đoàn hàng đầu như Walmart hay Apple đang thích nghi với thực tế rằng thương mại xuyên biên giới không còn là điều hiển nhiên.

Tất cả góp phần giải mã 10 ngày hỗn loạn bậc nhất của thị trường trong nhiều năm qua, đồng thời hé lộ những kịch bản có thể xảy ra trong cơn bão kinh tế vẫn còn tiếp diễn.

Mạnh Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thue-quan-cua-my-da-thay-doi-nen-kinh-te-toan-cau-nhu-the-nao-10286812.html
Zalo