Công chức Zimbabwe làm thêm 'chui'
Lạm phát cao trong khi đồng tiền trượt giá, nhân viên các cơ quan Chính phủ Zimbabwe không thể xoay xở cuộc sống, buộc phải đi làm thêm 'chui'.

Lạm phát tại Zimbabwe ngày càng tăng cao.
Điều này cũng ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ bán lẻ vì sức cạnh tranh tăng cao.
Đồng lương ít ỏi
Mỗi ngày, anh Dumisani Ngara, sống tại thủ đô Harare (Zimbabwe), thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp bắt chuyến xe buýt lúc 6 giờ 30 phút đến nơi làm việc tại Bộ Nhà ở và Tiện ích Xã hội quốc gia Zimbabwe. Với mức lương vỏn vẹn 250 USD mỗi tháng, anh phải chắt chiu từng đồng.
“Hầu hết nhân viên cơ quan nhà nước đều làm việc hết mình. Đây là công việc tôi yêu thích, và còn có sự ổn định”, người đàn ông 48 tuổi, là chồng và cha của ba đứa con, chia sẻ.
Nhưng khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều, thay vì về nhà, Ngara tất tả chạy sang quán cà phê đối diện cơ quan để thay từ vest sang bộ quần áo nỉ. Sau đó, anh đi bộ qua 4 dãy nhà, gặp con trai cả ở một quầy hàng ở vỉa hè trung tâm thành phố. Hai cha con tiếp tục công việc khác là bán hàng tạp hóa cho người qua đường.
Ngara giữ kín công việc phụ, bởi theo quy định, công chức Chính phủ Zimbabwe không được phép làm thêm. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng, chỉ với một nguồn thu nhập, cuộc sống của công chức nhà nước sẽ vô cùng chật vật.
Người đàn ông gắn bó với công việc hành chính từ năm 2010, nhưng kể từ 2019, mọi thứ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi lạm phát leo thang tới 300%. Đồng lương ít ỏi của Ngara ngày càng mất giá.
Để xoay xở tiền thuê nhà và trang trải chi phí sinh hoạt, gia đình anh phải tính toán kỹ lưỡng. “Vợ tôi bán trái cây và rau củ tại nhà, còn tôi bán hàng sau giờ hành chính tại khu trung tâm. Chúng tôi cố gắng tăng thêm thu nhập từng chút một”, Ngara chia sẻ.
Ngara không đơn độc. Nhiều nhân viên tại các cơ quan nhà nước ở Zimbabwe nỗ lực xoay xở cuộc sống trong bối cảnh lương thấp, vật giá leo thang. Trên những con phố ở Harare, ngày càng nhiều công chức tranh thủ bán hàng rong sau giờ làm việc hành chính.
Phần lớn mọi người miệt mài buôn bán đến 9 hoặc 10 giờ tối. Trong số những người chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ, giáo viên chiếm tỷ lệ đáng kể.
Ông Takavafira Zhou, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Tiến bộ Zimbabwe, cho biết nhiều giáo viên buộc phải làm thêm công việc này vì “đồng lương quá thấp” và “không đủ để trang trải cuộc sống gia đình”. Theo Zhou, “phần lớn công chức” đã chuyển sang công việc buôn bán tự do, dù chưa có số liệu chính thức xác nhận.
“Họ không đủ tiền đóng học phí cho con, lo bữa ăn hàng ngày, thanh toán chi phí y tế hay trả tiền thuê nhà. Vì thế, công chức buộc phải tìm cách xoay xở để sinh tồn”, ông lý giải.
Chuyên gia này nhấn mạnh, giáo viên Zimbabwe đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, hoặc chấp nhận chết đói, hoặc tìm cách sinh tồn trong sự thờ ơ của chính phủ. Trước tháng 11/2018, hầu hết công chức Zimbabwe, bao gồm giáo viên, nhận mức lương cơ bản là 540 USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2019, chính phủ đã ngừng trả lương 100% bằng USD. Hiện nay, lương được chia thành 2 phần, một phần bằng USD (khoảng 160 USD cho hầu hết công chức) và một phần bằng tiền tệ địa phương, tương đương chưa đến 100 USD.

Tỷ giá ngoài chợ đen rẻ hơn so với quy định của nhà nước.
Tận dụng kẽ hở
Cơ quan Thống kê quốc gia Zimbabwe (ZimStats) ước tính, lĩnh vực kinh doanh phi chính thức đóng góp 18% GDP và tạo ra 20% việc làm cho cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế cao hơn nhiều, bởi phần lớn người dân Zimbabwe đang mưu sinh ngoài hệ thống chính thức.
Năm ngoái, Chính phủ Zimbabwe đã giới thiệu đồng tiền mới ZiG, được đảm bảo bằng vàng, nhằm kiểm soát tình trạng siêu lạm phát. Nhà nước cũng siết chặt quy định về việc sử dụng ngoại tệ. Theo đó, các cửa hàng hợp pháp phải giao dịch bằng đồng nội tệ hoặc theo tỷ giá hối đoái chính thức của USD.
Tuy nhiên, những người bán hàng không chính thức như Ngara lại sử dụng tỷ giá của chợ đen, nên hàng hóa của họ trở nên rẻ hơn đáng kể so với các cửa hàng chính thức. Họ cũng chỉ giao dịch bằng USD, loại tiền tệ được người dân Zimbabwe ưa chuộng vì tính ổn định. Phần lớn người dân tích trữ USD thay vì đồng nội tệ và ưu tiên mua sắm từ những người bán hàng rong.
Anh Tariro Musekiwa, bán rong xà phòng, nước ngọt, sữa chua, khẳng định: “Chúng tôi không chấp nhận đồng nội tệ. Chúng tôi chỉ giao dịch bằng USD”.
Hiện nay, tỷ giá hối đoái chính thức là một USD tương đương với 26,4 ZiG, trong khi tỷ giá chợ đen dao động từ 36 - 40 ZiG. Do đó, người tiêu dùng mua được nhiều hàng hóa với giá rẻ hơn tại các quầy bán rong trên đường phố.
Musekiwa cho biết người dân cần mua hàng hóa với giá rẻ hơn. Do các sản phẩm tương tự có giá cao hơn tại các cửa hàng, anh tin rằng những người bán hàng rong đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu.
Ngara đồng tình: “Nhìn ra đường phố, vỉa hè và các góc phố đều đầy người bán hàng. Vì vậy, tôi cố gắng bán những mặt hàng chạy với giá thấp hơn. Chúng tôi đang ở trong một khu rừng rậm, và đây là cuộc chiến sinh tồn của kẻ mạnh nhất”.
Tuy nhiên, đối với các chủ cửa hàng được đăng ký, sự gia tăng của những người bán hàng rong không phải là tin tốt.
Ông Trymore Chirozva, quản lý siêu thị bán lẻ Food World ở Harare, bày tỏ sự thất vọng khi thấy những người bán hàng rong bày bán các sản phẩm tương tự ngay trên vỉa hè bên ngoài cửa hàng. Khu trung tâm thương mại Harare chỉ có năm địa điểm bán hàng chính thức, với sức chứa chưa đến 200 quầy hàng. Tuy nhiên, hàng nghìn người bán hàng không chính thức vẫn đổ ra đường mỗi ngày.
“Không giống như trước đây, khi người bán hàng rong chỉ bán trái cây và rau quả, giờ đây họ đã biến thành những cửa hàng nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông nói.
Ngara và nhiều người khác thừa nhận họ hoạt động mà không có giấy phép chính thức, nhưng nói rằng họ tìm cách lách luật. “Các quan chức chỉ đòi hối lộ, hoặc đôi khi chỉ lờ chúng tôi đi”, anh nói.

Người dân Zimbabwe bán hàng rong ở trung tâm thủ đô Harare.
Doanh nghiệp lớn đóng cửa
Ông Chirozva cho rằng, các cửa hàng tương tự đang chịu thiệt hại nặng nề vì những người bán hàng rong không bị quản lý chặt chẽ như các doanh nghiệp lớn.
Còn chuyên gia kinh tế Patience Maodza nhận định rằng các nhà cung cấp đang tận dụng lỗ hổng trong các quy định. “Chính phủ quản lý quá mức các cửa hàng, nhưng lại không quản lý người bán hàng rong, tạo ra một môi trường kinh doanh không công bằng cho các tổ chức đã đăng ký và nộp thuế đầy đủ”, người này nói.
Trong một năm qua, nhiều chuỗi cửa hàng và thương hiệu quần áo hàng đầu Zimbabwe đã đóng cửa do 2 nguyên nhân chính là hạn chế sử dụng USD và sự bùng nổ của mô hình kinh doanh hàng rong mà chính phủ không có biện pháp can thiệp.
N. Richards Group, một trong những công ty bán buôn phần cứng lớn nhất Zimbabwe, đã phải đóng cửa 2 chi nhánh. Phát biểu trước Quốc hội, ông Archie Dongo, Giám đốc của N. Richards Group, cho rằng chính phủ đang tạo ra gánh nặng quá lớn cho những người nộp thuế.
“Hãy giảm thuế suất và đối tượng chịu thuế, nhưng thu thuế từ nhiều người hơn. Bằng cách đó, chúng ta sẽ không gặp vấn đề về huy động tài chính trong nền kinh tế. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thu được nhiều thuế hơn theo cách đó”, ông Dongo nói.
Còn OK Zimbabwe, chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu cả nước, đã gặp khó khăn trong việc bổ sung hàng hóa cho các chi nhánh trong năm qua. Thách thức này càng trở nên trầm trọng do sự ra đời của đồng ZiG, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và cấu trúc giá. OK Zimbabwe đã đóng cửa 5 siêu thị vào tháng 1/2025.
Nhà kinh tế học Kajiva cho rằng các chính sách kinh tế của chính phủ đã đóng “vai trò quan trọng” trong những khó khăn của khu vực doanh nghiệp.
“Chính sách này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh nguồn cung tiền, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà bán lẻ lớn như OK Zimbabwe và N. Richards. Những công ty này buộc phải thu hẹp quy mô để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn do điều kiện tài chính eo hẹp”, ông Kajiva nói.

Nhiều công chức làm thêm 'chui' sau giờ hành chính.
Nỗ lực xoay xở
Khi các doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn, người lao động truyền thống cũng chịu ảnh hưởng tương tự.
Trong khi nhiều người như anh Ngara tìm kiếm công việc phụ để kiếm thêm thu nhập, số khác nghỉ việc trong chính phủ. Chị Portia Mbano, 39 tuổi, đã nghỉ công chức để bán hàng rong cả ngày.
Ban đầu, chị chỉ bán hàng nhỏ lẻ sau giờ làm việc. Nhưng sau đó, Mbano nhận thấy mình “đang già đi và cần một thứ gì đó hữu hình hơn”. Hiện tại, chị bán nhiều loại hàng tạp hóa và đồ gia dụng nhỏ tại một quầy hàng trên vỉa hè ở khu trung tâm thương mại.
Ông Samuel Mangoma, Giám đốc Sáng kiến Người bán hàng rong vì Chuyển đổi Kinh tế và Xã hội (VISET), một tổ chức thúc đẩy quyền của người lao động trong nền kinh tế phi chính thức trên khắp châu Phi, cho biết số lượng người bán hàng rong ở thủ đô đã tăng mạnh. Điều này là do cơ hội việc làm trên thị trường lao động chính thức bị hạn chế. Nhiều người phải tìm cách làm việc “chui”.
Tuy nhiên, ông không hài lòng với việc người bán hàng rong bày bán ngay trước cửa các cửa hàng, bán những mặt hàng tương tự với giá rẻ hơn.
“Mọi người đang cố gắng tồn tại trong môi trường kinh tế rất khó khăn này. Nhưng chúng tôi không khuyến khích mọi người đến và chiếm không gian trước các cửa hàng tạp hóa hay các nhà bán lẻ lớn. Chúng tôi khuyến khích các thành viên hoạt động ở những nơi không gây ra xung đột không cần thiết với những người kinh doanh khác”, ông nói.
Tuy nhiên, trên đường phố, các nhân viên chính phủ vẫn mở quầy bán hàng rong. Ngara cho biết anh dự định sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi gia đình anh đủ ổn định để có thể sống mà không cần đến nó.
“Tôi cần con trai tôi vào đại học và ít nhất là sở hữu một bất động sản cho gia đình, vì vậy, tôi cần cả hai công việc cho đến khi đạt được mục tiêu đó. Dù đối mặt với nhiều thách thức khi mở hàng rong, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nó, ít nhất là trong thời điểm hiện nay”, anh Ngara nói.