Thuế quan của Mỹ có thể khiến doanh nghiệp Thái Lan thiệt hại 24 tỷ USD năm nay
Con số này tương đương khoảng 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 19,8 nghìn tỷ USD năm 2024 của Thái Lan...

Ảnh minh họa: Reuters
Theo Hiệp hội Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây thiệt hại lớn cho các ngành kinh tế chủ chốt của nước này, từ ô tô cho tới chế biến thực phẩm và nông nghiệp, với ước tính thiệt hại lên tới 800 tỷ baht, tương đương 24 tỷ USD.
Con số này tương đương khoảng 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 19,8 nghìn tỷ USD năm 2024 của Thái Lan.
Thay đổi chính sách thuế quan của Mỹ cũng ảnh hưởng lớn tới triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của quốc gia Đông Nam Á này. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Chính phủ Thái Lan dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này nằm trong khoảng 2,3-3,3%.
Theo chính sách thuế đối ứng được ông Trump công bố hồi đầu tháng 4, hàng hóa Thái Lan nhập khẩu vào Mỹ chịu thuế quan 36%. Hiện tại, mức thuế này đang được tạm hoãn áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 9/4. Trong thời gian tạm hoãn này, Thái Lan cũng như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ nằm trong diện bị áp thuế đối ứng hiện chịu mức thuế cơ sở 10%.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Nikkei Asia, ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch FTI, cho biết hiệp hội này ước tính thuế đối ứng của ông Trump với Thái Lan có thể nằm trong khoảng 10-15%, dựa trên những khác biệt về thuế quan hiện tại giữa hai quốc gia. Mức thuế quan này sẽ dẫn tới thiệt hại khoảng 200-300 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan.
“Tuy nhiên, khuôn khổ thuế quan thực tế mà Mỹ công bố vượt ra ngoài những tính toán ‘có đi có lại’ thuần túy. Cách tiếp cận này không chỉ kết hợp những khác biệt về thuế suất mà còn cả các rào cản phi thuế quan - những hạn chế cản trở thương mại không phải dưới dạng thuế quan trực tiếp”, ông Kriengkrai cho biết. "Ước tính đơn giản theo hệ số nhân cho thấy tổn thất đối với nền kinh tế Thái Lan có thể lên tới 700 đến 800 tỷ baht. Cần phải có phân tích chuyên sâu hơn để đánh giá toàn bộ mức độ tác động”.
FTI là hiệp hội có khoảng 16.000 doanh nghiệp thành viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với nền kinh tế Thái Lan, một trung tâm sản xuất của khu vực Đông Nam Á, ngành sản xuất cho xuất khẩu đóng góp hơn 60% vào GDP. Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm ngoái đạt 55 tỷ USD.
Chủ tịch FTI nhận định thuế quan của Mỹ sẽ gây áp lực đặc biệt lớn với ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan. Ngành này hiện sử dụng khoảng 700.000 lao động và là một ngành quan trọng với nền kinh tế.
“Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của phụ tùng ô tô sản xuất tại Thái Lan, thuế quan càng cao thì tác động tới ngành này càng lớn, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp - lớn lẫn nhỏ - phải hợp nhất với nhau, giảm quy mô hoặc thậm chí giải thể”, ông Kriengkrai phân tích.
Rủi ro thuế quan xảy đến trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Thái Lan vốn đang chịu tác động lớn bởi suy giảm kinh tế trong nước và nợ hộ gia đình ở mức cao buộc các ngân hàng phải siết chặt các khoản vay mua ô tô.
Theo FTI, doanh số ô tô năm ngoái tại nước này giảm 26% so với năm trước đó xuống còn 573.000 chiếc. Xuất khẩu ô tô cũng giảm 8,8% xuống còn 1,01 triệu chiếc năm ngoái.
“Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng ô tô đã buộc phải thu hẹp hoạt động”, ông Kriengkrai cho biết. “Thuế quan mới của Mỹ sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng. Nếu không có nền tảng tài chính mạnh, một số nhà cung cấp có thể phải đóng cửa”.
Ông cũng cho biết ngành chế biến thực phẩm và hải sản của Thái Lan cũng sẽ bị thiệt hại đáng kể.
“Tuy nhiên, một điểm sáng là ngành sản xuất giày dép của Thái Lan sẽ được hưởng lợi khi các đối thủ như Việt Nam và Campuchia chịu mức thuế đối ứng cao hơn. Điều này có thể giúp các nhà sản xuất của Thái Lan có vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Mỹ”, ông Kriengkrai chỉ ra.
Việt Nam và Campuchia chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 46% và 49% nhưng đều đang tích cực đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế này.
Nhìn rộng hơn, ông Kriengkrai cảnh báo rằng rào cản thuế quan dâng cao ở Mỹ có thể khiến doanh nghiệp tại nhiều quốc gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, dẫn đến tình trạng hàng hóa tràn vào các Đông Nam Á.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu không thể tiếp cận thị trường Mỹ có thể sẽ nhắm tới những thị trường khác. Điều này dẫn tới cạnh tranh gay gắt và áp lực giá lớn hơn, đặc biệt là ở những khu vực như ASEAN”, Chủ tịch FTI phân tích.