Thuế giá trị gia tăng - 'mồi lửa' mới cho cuộc chiến thương mại toàn cầu

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng các mối đe dọa thuế quan, để đáp lại thuế giá trị gia tăng từ các quốc gia đối tác, có khả năng tạo ra một chiến thương mại mới trên quy mô toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo trang mạng The Conversation, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất một loại thuế quan đối ứng dựa trên việc xem xét các quốc gia đối tác áp thuế đối với doanh nghiệp Mỹ như thế nào. Nhà Trắng cho rằng nhiều quốc gia đã áp đặt thuế “không công bằng”, bao gồm loại thuế giá trị gia tăng như Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) của Australia.

Trên toàn cầu, rất nhiều quốc gia đã áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế bán hàng đối với tiêu dùng. Phạm vi quy định của thuế này là cho hàng hóa và dịch vụ trong nước và cả hàng nhập khẩu. Mỹ là một trong số ít quốc gia không áp dụng thuế bán hàng, tuy nhiên nhiều tiểu bang của Mỹ áp dụng thuế bán hàng riêng của họ. Theo lý giải từ Nhà Trắng, các loại thuế này áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không áp dụng cho hàng xuất khẩu.

GST là thuế hay thuế quan?

Thuế GST là loại thuế tiêu dùng rộng rãi, với mức thuế chủ yếu ấn định ở ngưỡng 10% giá trị hàng hóa. Thuế này áp dụng cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ trong nước, bất kể nguồn gốc của chúng. Trong khi đó, thuế quan hay còn gọi là thuế nhập khẩu chỉ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu như một điều kiện để được quyền tiếp cận thị trường.

Thuế quan không áp dụng cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đây là điểm khác biệt chính với thuế tiêu dùng trong nước. Thuế GST áp dụng như nhau cho hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế đã được thỏa thuận từ lâu. Vẫn chưa rõ chính quyền của Tổng thống Trump dự định áp dụng mức thuế tương đương với 10% GST như thế nào. Trên thực tế, đây sẽ là thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ nếu họ mua hàng hóa của một quốc gia khác, ví dụ như Australia.

Thuế gián tiếp như vậy sẽ là thuế lũy thoái, có nghĩa là nó sẽ gây gánh nặng nhiều hơn đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Việc mở rộng thuế quan để bao gồm hệ thống thuế giá trị gia tăng của các quốc gia khác cũng thể hiện sự xâm phạm đáng kể vào chủ quyền quốc gia. Từ lâu, đã có sự chấp nhận rằng các quốc gia có chủ quyền có quyền đánh thuế công dân và doanh nghiệp của họ theo cách họ thấy phù hợp.

Thuế GST của Australia là một trong những mức thuế thấp nhất trong số các quốc gia có nền kinh tế phát triển, với mức trung bình là 19%, do đó tác động đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ còn lớn hơn nữa.

Tổng thống Trump rõ ràng muốn tìm cách khôi phục lại ngành sản xuất của Mỹ. Nhưng thực tế là chi phí lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới rất cao. Việc một quốc gia sản xuất tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà người dân cần cũng không phải là giải pháp hiệu quả. Điều này đặc biệt đúng ở quốc gia có mức tiêu thụ cao như Mỹ.

Mỹ được mô tả là người tiêu dùng cuối vì nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã được đáp ứng bằng lượng hàng nhập khẩu ngày càng tăng từ các quốc gia khác. Mối quan hệ cùng có lợi giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Thuế quan của Tổng thống Trump có thể thay đổi điều này, gây căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế.

Phản ứng của Australia: Tạm dừng thuế dịch vụ kỹ thuật số

Trong khi các mức thuế này chủ yếu gây hại cho người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp Australia cũng sẽ cảm nhận được tác động. Đáng chú ý, một mặt hàng xuất khẩu chính sang Mỹ, các sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến như thịt bò, không chịu thuế GST và không nên chịu bất kỳ mức thuế trả đũa nào. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Australia có thể bị ảnh hưởng. Các chính sách của ông Trump sẽ làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu của Australia tại thị trường Mỹ, có khả năng khiến chúng kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.

Mối đe dọa của các mức thuế quan này rõ ràng là vấn đề đối với một chính phủ đương nhiệm đang phải đối mặt với cuộc bầu cử sắp tới và Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho đến nay đã phản ứng rất thận trọng. Mặc dù cách tiếp cận ngoại giao có thể đảm bảo một sự nhượng bộ nhỏ, nhưng nó hoàn toàn trái ngược với lập trường cứng rắn của Canada, bao gồm việc đe dọa ngay lập tức về các biện pháp trả đũa.

Việc ông Trump sử dụng các mối đe dọa thuế quan như một chiến thuật đàm phán dường như đang có hiệu quả mong muốn, với khả năng ngăn cản Chính phủ Australia đánh thuế các công ty công nghệ lớn toàn cầu. Australia dự kiến áp thuế đối với các công ty công nghệ lớn như Meta và Google nếu họ không đạt được thỏa thuận trực tiếp với các hãng truyền thông trong nước.

Các báo cáo cho biết Chính phủ Australia đã hoãn đề xuất đánh thuế các công ty công nghệ lớn do nguy cơ bị Mỹ áp thuế trả đũa. Một loại thuế như vậy có thể sẽ khiến Washington không hài lòng, với các khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada và Pháp được đề cập cụ thể trong thông báo thuế quan gần đây nhất của Nhà Trắng. Có thể nói rằng tuyên bố của Nhà Trắng cố tình cho rằng tỷ lệ thuế quan tác động trực tiếp đến khối lượng thương mại.

Tuyên bố này bỏ qua một nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc khiến thương mại quốc tế trở nên hấp dẫn kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 và lý do tại sao các nhà kinh tế đã tranh luận ủng hộ nó trong hàng trăm năm qua. Đó là các quốc gia sản xuất và buôn bán hàng hóa và dịch vụ có hiệu quả cao. Hiệu quả dẫn đến chi phí thấp hơn, điều này có nghĩa là người tiêu dùng được hưởng lợi.

Nguyễn Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thue-gia-tri-gia-tang-moi-lua-moi-cho-cuoc-chien-thuong-mai-toan-cau/364145.html
Zalo