Thuế đối ứng: Nguy hay cơ? Doanh nghiệp Việt nên ứng phó như thế nào?
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, các kịch bản về thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại hội thảo trực tuyến do FiinGroup phối hợp cùng CFO Việt Nam và VNIDA tổ chức, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng mổ xẻ tác động của chính sách thuế đối ứng từ Mỹ và đưa ra loạt kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức này.

Các kịch bản về thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Một trong những tiếng nói nổi bật và rất thực tiễn là bà Võ Thị Liên Hương – CEO của Secoin. Bà không chỉ nhìn thấy rủi ro, mà còn khẳng định đây chính là “đòn thúc” để Việt Nam thực hiện các cải cách mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường vốn – nơi vốn lâu nay bị bó hẹp bởi nhiều rào cản.
“Thực ra đây là cơ hội để thay đổi cả thị trường vốn Việt Nam – từ trái phiếu, vay dài hạn đến việc hòa nhập quốc tế. Những điều từng là nỗi đau đầu của doanh nghiệp và lãnh đạo thì nay sẽ được giải quyết nhanh hơn” – bà Hương nhấn mạnh.
Hiện tại, Chính phủ đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và tổ chức các cuộc điện đàm cấp cao để đàm phán. Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh: chính doanh nghiệp mới là người cần lên tiếng mạnh mẽ, phản biện và đề xuất giải pháp cụ thể. “Chính phủ đang hành động, thì doanh nghiệp cũng không thể đứng yên. Chúng ta phải chủ động đề xuất: Chính phủ nên làm gì, doanh nghiệp cần gì!”
CFO Việt Nam cũng đang gấp rút tổng hợp các ý kiến đóng góp để xây dựng văn bản kiến nghị gửi lên Chính phủ. Trong đó, ba trụ cột được nhấn mạnh là: giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh cải cách thể chế, và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách.
Cũng theo CEO của Secoin, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam không giống nhau. Có những tập đoàn lớn đã gắn bó lâu dài và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khối FDI đang chao đảo vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Muốn họ tiếp tục gắn bó, Việt Nam phải có hành động cụ thể, từ hỗ trợ vận hành đến cải thiện thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó hiện các rào cản hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ, đang khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Bà Hương dẫn chứng việc giữ lại điều kiện “economic needs test” trong bán lẻ đã cản trở nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà, đây là thời điểm vàng để rà soát, gỡ bỏ những quy định kỹ thuật không còn phù hợp, qua đó tạo lực hút mạnh hơn cho dòng vốn từ Mỹ và các thị trường phát triển.
Một ví dụ điển hình là chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Trên giấy tờ là một cú huých hỗ trợ, nhưng khi áp dụng lại khiến doanh nghiệp loay hoay vì thủ tục rườm rà, thậm chí bị phạt do lỗi hành chính. “Không khấu trừ được, không đưa vào chi phí được – cuối cùng lại thiệt hơn. Chính sách phải giảm được chi phí thực sự, chứ không chỉ ưu đãi trên giấy,” bà Hương nói.
Từ hội thảo, năm nhóm giải pháp cụ thể đã được đề xuất gửi tới Chính phủ gồm: Gói tín dụng đặc biệt cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Phân bổ tín dụng thông minh – tập trung vào những ngành “xương sống”; Kích cầu nội địa – cứu cánh trong lúc xuất khẩu gặp khó; Gỡ vướng pháp lý cho các ngành mũi nhọn và Cải thiện tín nhiệm quốc gia – giảm chi phí vốn.
Trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Quang Thuân Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh, nếu không nâng hạng tín nhiệm quốc gia, doanh nghiệp Việt sẽ phải vay vốn với lãi suất cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Indonesia hay Philippines. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho hạ tầng và phục hồi kinh tế là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, cần lập ngay cổng thông tin hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định quốc tế mới như CBAM hay tiêu chuẩn ESG để hỗ trợ xuất khẩu và gọi vốn quốc tế hiệu quả hơn.
Khép lại hội thảo, đại diện VNIDA đề xuất: FiinGroup – với lợi thế dữ liệu và am hiểu thị trường – nên giữ vai trò trung tâm trong việc tập hợp ý kiến doanh nghiệp và chuyển hóa thành kiến nghị chính sách. Sự phối hợp ba bên giữa FiinGroup, CFO Việt Nam và VNIDA sẽ không chỉ là hành động kịp thời trước thách thức ngắn hạn, mà còn là nền tảng để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, năng động và có sức cạnh tranh quốc tế trong dài hạn.