Thuê, cho thuê, mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định, thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng với số lượng từ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Mức phạt này tăng lên 100- 200 triệu đồng nếu trên 10 thẻ.
Phạt nặng mua bán, cho thuê, mở thẻ hộ
Theo dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các vi phạm liên quan thẻ ngân hàng sẽ bị phạt nặng.

Cho thuê thẻ, mở thẻ hộ sẽ bị phạt nặng.
Cụ thể, phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vi phạm đồng tiền thanh toán trên thẻ; thu thêm các loại phí ngoài Biểu phí đã công bố khi chủ thẻ thanh toán bằng thẻ; Thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 01 thẻ đến dưới 10 thẻ.
Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật; Không từ chối hoặc không có biện pháp từ chối thanh toán thẻ trong các trường hợp phải từ chối thanh toán thẻ theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ.
Phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng với hành vi thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử hoặc rút tiền mặt; Chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch thẻ, quyết toán giao dịch thẻ không đúng theo quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng; Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng thẻ ngân hàng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán, cung ứng hàng hóa và cung ứng dịch vụ); Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin thẻ ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các vi phạm quy định về hoạt động đại lý thanh toán cũng bị xử phạt nghiêm. Theo đó, phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện các nghiệp vụ đại lý thanh toán không được bên giao đại lý ký kết trong hợp đồng đại lý thanh toán giữa bên giao đại lý và bên đại lý thanh toán.
Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý thanh toán không phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép, quyết định (nếu có) của bên giao đại lý, bên đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thực hiện hoạt động đại lý thanh toán khi không có hợp đồng đại lý thanh toán hoặc hợp đồng đại lý thanh toán không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật…
Trung gian thanh toán có thể bị phạt tới 150 triệu đồng
Đối với trung gian thanh toán, dự thảo Nghị định quy định mức phạt cụ thể với các hành vi vi phạm như sau:
Phạt 10-20 tiệu đồng với hành vi: cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán; Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật; không có giải pháp để khách hàng tra cứu trực tuyến theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Phạt 30-50 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về sử dụng dịch vụ ví điện tử; Vi phạm quy định về đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Không có biện pháp giám sát để đảm bảo việc thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài thông qua dịch vụ trung gian thanh toán là hợp pháp theo quy định pháp luật; Vi phạm quy định về hồ sơ mở ví điện tử, thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử, thông tin về khách hàng mở ví điện tử; mở ví điện tử bằng phương thức điện tử; Vi phạm quy định về thực hiện quy trình, thủ tục nhận biết, xác minh đơn vị chấp nhận thanh toán.
Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật; Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 1 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử.
Phạt 100-120 triệu đồng nếu có hành vi gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Tẩy xóa, thay đổi nội dung; mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 10 ví điện tử trở lên…
Phạt tiền từ 120 - 150 triệu đồng nếu báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm; Vi phạm quy định khi hợp tác với tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.