Thực trạng và giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tại Sóc Trăng

Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Điều đó góp phần đáng kể cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Tại Sóc Trăng, mặc dù việc phân luồng này được thực hiện từ lâu và đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhưng nhìn tổng thể, phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn nhiều khó khăn.

So sánh sự biến động học sinh của các lớp giữa 2 năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024, cho thấy, có 2.848 học sinh học hết lớp 9 không tiếp tục học lên lớp 10 trung học phổ thông (THPT) (chiếm 18,06% số học sinh lớp 9 năm học 2022 - 2023), trong những năm học trước thì con số này cũng xấp xỉ 3.000 - 4.000 học sinh không tiếp tục đi học THPT.

Tính đến năm học 2023 - 2024, số học sinh sau tốt nghiệp THCS và học sinh THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là 1.650/2.848 học sinh (chiếm 57,94% số học sinh không được học tiếp lên lớp 10 năm học 2023 - 2024). Với kết quả này thì tỷ lệ phân luồng học sinh năm 2023 - 2024 chỉ đạt 10,46% tổng số học sinh lớp 9 (năm học 2022 - 2023) chưa đạt chỉ tiêu theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, chỉ tiêu là đến năm 2025, phân luồng đạt 30%, tương đương khoảng 4.500 học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Phân luồng học sinh sau THCS góp phần đáng kể cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế. Ảnh: NGỌC HẢI

Phân luồng học sinh sau THCS góp phần đáng kể cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế. Ảnh: NGỌC HẢI

Từ những con số trên cho thấy, công tác phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh, phụ huynh học sinh vẫn có suy nghĩ, lựa chọn học đại học là con đường duy nhất cho tương lai mà xem nhẹ việc học nghề để lập thân, lập nghiệp. Điều đó là do công tác truyền thông, hướng nghiệp,… trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, nên thực tế đại đa số học sinh chưa chọn nghề học phù hợp cho bản thân; công tác chỉ đạo, thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện còn chậm,…

Ngoài ra, quy mô tuyển sinh, đào tạo, ngành, nghề đào tạo của các cơ sở GDNN của tỉnh thời gian qua không tăng. Trong số 23 cơ sở GDNN hiện nay của tỉnh Sóc Trăng, chỉ có 2 cơ sở GDNN công lập và 11 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện được phép thực hiện công tác phân luồng. Để đảm bảo phân luồng đạt 30%, tương đương khoảng 4.500 học sinh sang học tại các cơ sở GDNN thì cần phải tăng chỉ tiêu biên chế giảng viên, giáo viên dạy văn hóa và giáo viên, giảng viên GDNN cho 2 cơ sở GDNN và 11 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; đồng thời, tăng điều kiện đảm bảo hoạt động GDNN theo hướng tăng quy mô tuyển sinh đào tạo hoặc mở mã ngành, nghề đào tạo mới cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường trung cấp, cao đẳng.

Thêm nguyên nhân nữa là, do thiếu nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đào tạo; do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên số lượng giáo viên dạy nghề tại các cơ sở GDNN không tăng, có khuynh hướng giảm, trong khi thực hiện công tác phân luồng thì quy mô học sinh tăng, thì số lượng giáo viên phải tăng theo để đảm bảo tỷ lệ quy đổi 25 học sinh, sinh viên/1 giáo viên.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Vĩnh Châu Trần Nhuận Thanh Liêm cho hay:

Trang thiết bị, đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm phục vụ cho dạy và học các lớp văn hóa tại trung tâm chưa được các cấp quan tâm đầu tư. Trung tâm chỉ được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học mới ở năm học 2021 - 2022 cơ bản đúng chuẩn, phù hợp cho việc dạy và học văn hóa, các phòng học còn lại chủ yếu là tận dụng của cơ sở dạy nghề. Về đội ngũ giáo viên, trong năm học 2024 - 2025, quy mô lớp học tăng, số giáo viên hiện có của trung tâm hầu hết phải dạy vượt giờ trên 3.900 tiết, thu học phí không đảm bảo chi nên trung tâm gặp khó khăn trong chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.

Khó khăn của 2 cơ sở GDNN và 11 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện là còn thiếu giáo viên, giảng viên. Ảnh: NGỌC HẢI

Khó khăn của 2 cơ sở GDNN và 11 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện là còn thiếu giáo viên, giảng viên. Ảnh: NGỌC HẢI

Chung khó khăn trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng Nguyễn Việt Mười chia sẻ: "Sau khi sắp xếp theo vị trí việc làm, số lượng nhà giáo của trường chỉ còn 55 người (trong đó có 5 nhà giáo dạy môn học chung, 50 nhà giáo dạy môn học, mô đun chuyên môn nghề), thiếu nhiều nhà giáo cơ hữu để phân công giảng dạy các môn học chung, mô đun chuyên môn nghề. Công tác thỉnh giảng nhà giáo tham gia giảng dạy các môn học, mô đun chuyên môn nghề ở một số nghề Công nghệ ôtô, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí còn gặp nhiều khó khăn".

Công tác GDNN gắn với giải quyết việc làm của tỉnh thời gian qua về chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong thực hiện công tác GDNN, giải quyết việc làm sau học nghề chưa nhiều, chưa bền vững; phương thức tuyển sinh của các trường đại học chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển, nên việc trúng tuyển vào học đại học là không khó,…

Để công tác phân luồng học sinh đạt kết quả như mong đợi, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện những giải pháp mang tính quyết định, nhất là nâng cao nhận thức của xã hội về công tác này. Để làm được điều đó, trước hết cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp, việc làm, nhất là ý nghĩa, lợi ích của công tác phân luồng học sinh, trong đó, cần đẩy mạnh việc liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN với các trường THCS, THPT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… để tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn, định hướng nghề nghiệp,... giúp cho phụ huynh, học sinh hiểu rõ về khả năng, điều kiện của học sinh, gia đình để lựa chọn nghề học phù hợp, đảm bảo được việc làm sau khi tốt nghiệp và tương lai cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về tài chính, nhân lực, vật lực,… để đảm bảo các điều kiện hoạt động GDNN đáp ứng với quy mô tuyển sinh, đào tạo tương ứng với 30% chỉ tiêu phân luồng học sinh và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế; ưu tiên đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và khu vực ASEAN, hướng đến đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2030 và 11 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện để thực hiện tốt chức năng GDNN và GDTX, hướng nghiệp, giáo dục tổng hợp,… theo quy định.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn lao động chất lượng cao gắn với chuyển giao khoa học, công nghệ; GDNN phải gắn chặt chẽ với giải quyết việc làm, với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cần điều tiết phân luồng học sinh, như: xác định rõ các chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các điểm trường THPT và trung tâm GDNN - GDTX; bố trí đủ giáo viên giảng dạy 4 môn văn hóa THPT cho các trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện theo quy định; triển khai có hiệu quả chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh học tại các cơ sở GDNN,…

Thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn lao động, học sinh vào học tại các cơ sở GDNN, nhất là lực lượng lao động trẻ, học các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao; du học sinh, …

Nâng cao tính dự báo của thị trường lao động việc làm. Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng lao động - thương binh và xã hội, các cơ sở GDNN, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp,… làm tốt công tác điều tra, rà soát dự báo nhanh, nhạy bén nhu cầu học nghề, tuyển dụng, hỗ trợ đào tạo lao động đáp ứng về số lượng, trình độ tay nghề cho doanh nghiệp.

Để thực hiện thành công phân luồng học sinh sau THCS đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, mà còn của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội.

NGỌC HẢI - LÂM HÒA NHẪN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/202412/thuc-trang-va-giai-phap-phan-luong-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-trung-hoc-co-so-tai-soc-trang-18b6334/
Zalo