Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ 3 - Các nước quản lý thế nào?

Ngành du thuyền đã có sự gia tăng nhu cầu ổn định trong những năm gần đây do thu nhập ngày càng tăng đi kèm với nhu cầu giải trí phát triển. Xu hướng này ngày càng được thúc đẩy bởi thị trường du lịch hạng sang đang phát triển, nơi những cá nhân có giá trị tài sản cao tìm kiếm những dịch vụ được cá nhân hóa và những trải nghiệm độc quyền.

Giới siêu giàu mạnh tay chi tiêu phục vụ nhu cầu giải trí

St Katharine Docks là bến du thuyền ở trung tâm London, Anh

St Katharine Docks là bến du thuyền ở trung tâm London, Anh

Theo báo cáo của Grand View Research về quy mô và xu hướng thị trường du thuyền vào năm 2023, quy mô thị trường du thuyền toàn cầu ước tính đạt 9,39 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,1% từ năm 2024 đến năm 2030.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thị trường đã chứng kiến mức tăng 14,1% về tỷ trọng chi tiêu cho hoạt động giải trí trong chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2023.

Thị trường du thuyền tại Hoa Kỳ đang phát triển với tốc độ đáng chú ý. Khu vực này chứng kiến một lượng lớn các cá nhân siêu giàu thúc đẩy nhu cầu trong nước đáng kể đối với du thuyền, từ siêu du thuyền sang trọng đến tàu du ngoạn giải trí.

Thị trường cũng được hỗ trợ bởi hệ sinh thái mạnh mẽ của các nhà đóng du thuyền nổi tiếng như Viking và Westport, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng.

Đường bờ biển rộng lớn của Hoa Kỳ, có các trung tâm du thuyền hàng đầu, như Florida và California, mang đến nhiều cơ hội chèo thuyền giải trí. Tuy nhiên, thị trường phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các quy định nghiêm ngặt về môi trường có thể làm tăng chi phí sản xuất và sự cạnh tranh từ các công ty châu Âu đã thành danh cùng với thị trường châu Á mới nổi cung cấp chi phí thấp hơn hoặc xây dựng theo yêu cầu.

Bất chấp những thách thức này, thị trường Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế thống lĩnh do nhu cầu trong nước mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp được thiết lập tốt. Việc điều hướng thành công các quy định về môi trường, biến động kinh tế và cạnh tranh toàn cầu sẽ là chìa khóa để duy trì sự tăng trưởng này.

Tương tự như vậy, tại Liên minh châu Âu, chi tiêu chung của Chính phủ cho giải trí đạt 1,1% GDP vào năm 2022. Các nền kinh tế đang phát triển cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong chi tiêu cho giải trí do thu nhập khả dụng tăng và thời gian giải trí tăng. Thị trường du thuyền châu Âu thống trị thị trường toàn cầu vào năm 2023 với thị phần doanh thu lớn nhất là 38,9%.

Nhờ vào điều kiện tự nhiên thiên nhiên với các đường bờ biển tuyệt đẹp và ngành du lịch biển đang phát triển sẵn sàng tiếp tục mở rộng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ cùng với các khoản đầu tư vào các vùng ven biển càng củng cố mạnh mẽ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Điển hình như thị trường du thuyền tại Pháp đại diện cho một phân khúc quan trọng trong các ngành du lịch và xa xỉ của quốc gia này, phản ánh cả di sản hàng hải phong phú và cam kết đổi mới hiện đại.

Pháp nổi tiếng với ngành sản xuất du thuyền, với các xưởng đóng tàu uy tín như Group Beneteau dẫn đầu về thiết kế và kỹ thuật. Riviera của Pháp, với các cảng như Cannes, Nice và Saint-Tropez, là điểm đến hàng đầu cho những người đam mê du thuyền quốc tế.

Thị trường đã thành lập này được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ - bến du thuyền cao cấp, cơ sở bảo dưỡng toàn diện và các dịch vụ cao cấp phù hợp với nhu cầu cụ thể của chủ sở hữu du thuyền và khách hàng thuê du thuyền.

Thị trường du thuyền Ý dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất là 6,9% từ năm 2024 đến năm 2030. Tận dụng di sản hàng hải phong phú và nghề thủ công nổi tiếng, Ý tự hào về thiết kế và kỹ thuật du thuyền đặc biệt, dẫn đầu là các xưởng đóng tàu uy tín như Ferretti Group, Azimut-Benetti và Sanlorenzo.

Thị trường du thuyền Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đạt tới 6,1% từ năm 2024 đến 2030. Thị trường đang trải qua sự biến động do các hỗ trợ của các chính phủ cho phát triển du lịch và thu nhập khả dụng tăng.

Ngoài ra các sáng kiến của các chính phủ nhằm thúc đẩy du lịch chẳng hạn như chiến dịch Incredible India và Chương trình Swadesh Darshan, dự kiến sẽ tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong thị trường khu vực trong giai đoạn này. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường có thể bị cản trở ở các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế, bất ổn chính trị hoặc các chính sách hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhu cầu cao đối với các hoạt động giải trí càng thúc đẩy tăng trưởng thị trường khu vực. Các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Úc đang chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc tham gia vào các hoạt động giải trí trên biển. Xu hướng này dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng ven biển và nhiều hoạt động trên mặt nước hơn.

Các nước quản lý hoạt động du thuyền thế nào?

Du thuyền là phương tiện vận tải đường thủy, thiết kế chủ yếu cho các mục đích giải trí, du lịch và thư giãn. Dựa trên kích thước, mục đích sử dụng và tính năng, du thuyền có thể phân thành nhiều loại.

Bến du thuyền Marina di Portofino nổi tiếng của Italia

Bến du thuyền Marina di Portofino nổi tiếng của Italia

Ở các nước như Mỹ, châu Âu và châu Á, các tiêu chuẩn phân loại có thể khác nhau dựa vào quy định địa phương và khu vực.

Tại Mỹ, du thuyền được phân loại theo thiết kế, mục đích sử dụng và kích thước, với các loại du thuyền chính được công nhận rộng rãi trong cộng đồng du thuyền và các cơ quan quản lý, bao gồm:

Du thuyền động cơ (Motor Yachts) là loại phổ biến nhất, nổi bật với không gian nội thất rộng rãi và khả năng di chuyển ổn định.

Du thuyền dạng Displacement & Semi-Displacement Yachts với thiết kế mớn nước sâu giúp du thuyền có độ ổn định tốt cho các hành trình dài.

Du thuyền thể thao hoặc du thuyền bong mở (Sports Yachts / Open Yachts) thì được thiết kế cho tốc độ và hiệu suất cao, với động cơ mạnh và kiểu dáng thể thao, thích hợp cho các chuyến đi ngắn hoặc cuối tuần.

Du thuyền cổ điển (Classic Yachts) với thiết kế cổ điển.

Dự báo phát triển thị trường du thuyền toàn cầu 2020-2030 (Nguồn: Market Analysis Report của Grand View Research)

Dự báo phát triển thị trường du thuyền toàn cầu 2020-2030 (Nguồn: Market Analysis Report của Grand View Research)

Thông thường các quốc gia có hoạt động của du thuyền đều thực hiện quản lý theo một số nguyên tắc chung như: Các du thuyền phi thương mại sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và bố trí đầy đủ thuyền viên theo quy định thì có thể hoạt động trong vùng nước của quốc gia đó.

Trong suốt thời gian được phép hoạt động, tại các vùng nước được chính quyền cho phép bằng giấy phép hoạt động, du thuyền có thể tự do hoạt động theo nhu cầu vui chơi giải trí của chủ sỡ hữu mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm, ngoại trừ trường hợp xuất cảnh đi nước ngoài.

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm đảm bảo các nguyên tắc chung về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của du thuyền do mình sở hữu; tuân thủ mọi hướng dẫn của chính quyền và các quy định của pháp luật có liên quan; và tham gia bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo các trách nhiệm tài chính có liên quan đối với mọi sự cố, tai nạn xảy ra trong quá trình hoạt động.

Nhìn chung việc quản lý được thực hiện theo phân loại du thuyền (2 loại). Các du thuyền thuộc đối tượng áp dụng của các công ước quốc tế như Solas, Marpol.. thì áp dụng theo Công ước. Các du thuyền dưới công ước thì ban hành Quy định riêng: đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên, mục đích sử dụng... Các du thuyền tùy theo mục đích sử dụng (cá nhân hay kinh doanh) thì được cấp phép hoạt động theo mục đích bằng bộ quy định rõ ràng.

Tại Mỹ, hoạt động của du thuyền, bao gồm việc cấp phép và các quy định liên quan, chủ yếu được quản lý bởi Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Bất kỳ tàu thuyền nào được cấp giấy phép du ngoạn, cũng như bất kỳ tàu thuyền du ngoạn nào của Mỹ không có giấy tờ, sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích du ngoạn và không được vận chuyển hàng hóa hoặc chở hành khách để kiếm tiền.

Ở Hồng Kông, du thuyền không được phép hoạt động thương mại trừ khi có sự công nhận của Cục trưởng Cục Hàng hải trên Giấy phép hoạt động của du thuyền. Nếu có ý định cho du thuyền hoạt động thương mại liên quan đến việc vận chuyển hành khách, chủ du thuyền khi nộp đơn xin cấp mới hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động của du thuyền phải cho biết ý định hoạt động thương mại; Nộp cho Cục trưởng Cục Hàng hải bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra hoặc Giấy chứng nhận kiểm định và Hợp đồng bảo hiểm; Xin Cục trưởng Cục Hàng hải chấp thuận việc hoạt động thương mại.

Về đăng ký du thuyền, tại Hồng Kông, thời hạn cấp phép tối thiểu 1 tháng, tối đa 12 tháng. Chủ du thuyền phải cung cấp tài liệu chứng minh du thuyền đủ khả năng chuyên chở theo tải trọng dự định, được xác định theo Quy chuẩn an toàn du thuyền. Tài liệu này có thể là giấy chứng nhận do công ty đóng du thuyền cấp hoặc thông cáo ổn định do giám định viên được ủy quyền cấp. Nếu là du thuyền đã qua sử dụng ở nước ngoài, chủ du thuyền phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký, giấy phép hoặc tài liệu tương tự để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của du thuyền.

Chủ du thuyền phải cung cấp hợp đồng bảo hiểm rủi ro bên thứ ba hợp lệ hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm do công ty bảo hiểm được ủy quyền cấp theo Quy định về bảo hiểm rủi ro bắt buộc của bên thứ ba, thể hiện việc tuân thủ số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với du thuyền có liên quan.

Tại một số quốc gia khác, thời hạn hiệu lực đăng ký du thuyền thường từ 1 đến 5 năm tùy theo quy định tại mỗi quốc gia.

Chẳng hạn, ở Vương quốc Anh, mức phí đăng kí thuyền thương mại, du thuyền là 153 bảng Anh cho thời hạn sử dụng 5 năm và 72 bảng Anh để gia hạn thêm 5 năm tiếp theo. Chủ sở hữu có quyền sử dụng phương tiện ngoài hải phận Vương quốc Anh trong vòng 6 tháng. Trường hợp đăng ký thuyền để cho thuê, mức phí đăng ký sẽ là 35 đến 196 bảng Anh trong vòng 5 năm, tùy theo chủng loại.

Sau khi đăng ký, mỗi phương tiện sẽ được quản lý thông qua số đăng ký nhằm hỗ trợ cho việc tìm kiếm cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Chủ tàu có trách nhiệm mang giấy tờ đăng ký khi sử dụng phương tiện. Nếu không xuất trình được giấy tờ này khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ tàu có thể sẽ bị phạt nặng. Chẳng hạn như ở Canada, mức phạt cho lỗi vận hành tàu thuyền không có đăng ký là 250 CAD (khoảng 4,5 triệu).

Đối với việc đăng kiểm du thuyền, theo quy định tại Hồng Kông, các du thuyền phục vụ riêng cho mục đích giải trí và không tham gia hoạt động thương mại, không phải kiểm định bởi cơ quan đăng kiểm hoặc các Tổ chức đăng kiểm được ủy quyền, hoặc Đăng kiểm viên được ủy quyền để đảm bảo du thuyền vận hành an toàn và đáp ứng được điều kiện cấp phép hoạt động như trên thì thân vỏ, máy móc và lắp đặt hệ thống điện phải tuân theo các tiêu chuẩn tại Quy phạm du thuyền nhưng không cần phải phê duyệt thiết kế, kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra.

Về định biên, các quốc gia đều có quy định riêng về định biên an toàn tối thiểu cho loại hình du thuyền dưới công ước, tùy thuộc vào mục đích đăng ký sử dụng là thương mại hoặc phi thương mại. Thuyền viên làm việc trên du thuyền thường được đào tạo và cấp chứng chỉ dựa trên chương trình đào tạo, khảo thí của quốc gia tàu mang cờ.

Theo đó, ở Hồng Kông, du thuyền có sức chở không quá 12 khách và chiều dài lớn nhất nhỏ hơn 12m có thể được vận hành bởi 1 người chịu trách nhiệm chính có chứng chỉ Thuyền trưởng du thuyền (Hạng 1 hoặc Hạng 2) hoặc chứng chỉ tương đương và thêm 1 thuyền viên nếu du thuyền hoạt động thương mại có chiều dài lớn nhất lớn hơn 8m và sức chở trên 10 người.

Du thuyền có sức chở từ 13 đến 60 hành khách và chiều dài lớn nhất từ 12m đến 15m được xem là vận hành an toàn bởi một người có chứng chỉ Thuyền trưởng Hạng 2, hoặc du thuyền có sức chở từ 13 đến 60 hành khách và có chiều dài lớn nhất trên 15m được xem là vận hành an toàn bởi một người có chứng chỉ Thuyền trưởng Hạng 1.

Đối với du thuyền hoạt động thương mại phải có ít nhất 1 thuyền viên với kiến thức phổ thông về máy tàu để hỗ trợ thuyền trưởng khi tàu hành trình, nhằm đáp ứng các yêu cầu vận hành như hỗ trợ triển khai biện pháp khẩn cấp. Đối với du thuyền có sức chở trên 60 hành khách, yêu cầu về định biên an toàn tối thiểu sẽ do cơ quan chính quyền quy định cho từng trường hợp cụ thể.

Trong khi đó, Singapore không quy định định biên an toàn tối thiểu cho du thuyền mà chỉ yêu cầu chủ sở hữu, thuyền trưởng hoặc người phụ trách không được để cho một người không có các chứng chỉ PPCDL/APPCDL điều khiển du thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển của Singapore.

Ngoài ra, trường hợp du thuyền có buồng máy thì người được bố trí làm việc trong buồng máy (nếu có) phải có chứng chỉ/khả năng chuyên môn được công nhận bởi Chính quyền cảng.

Liên quan đến đào tạo thuyền viên, tại Mỹ, việc cấp phép hoạt động cho thuyền viên và đào tạo chứng chỉ được quy định nghiêm ngặt theo các yêu cầu của Cơ quan Tuần tra Biển Mỹ (USCG).Các thuyền viên cần có chứng chỉ STCW (Standards of Training, Certification and Watchkeeping) - tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo và chứng nhận thuyền viên, bắt buộc đối với tất cả những ai làm việc trên các tàu hoạt động ngoài ranh giới lãnh thổ Mỹ.

Chứng chỉ STCW yêu cầu thuyền viên hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, bao gồm các môn như kỹ thuật sống sót trên biển, phòng cháy chữa cháy, sơ cứu và các trách nhiệm xã hội và an toàn cá nhân. Khóa học này gồm các phần lý thuyết và thực hành, với thời gian học từ 40 giờ trở lên tùy thuộc vào yêu cầu của từng chương trình đào tạo.

Để nhận chứng chỉ STCW, thuyền viên phải tham gia các khóa học do các trường được USCG công nhận và có thể yêu cầu các bài kiểm tra và đánh giá thực tế về khả năng xử lý tình huống trên tàu. Chứng chỉ này có giá trị trong 5 năm và sẽ cần được tái chứng nhận nếu không có đủ kinh nghiệm đi biển trong vòng 5 năm.

Tại Hồng Kông, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn Thuyền trưởng du thuyền (kết hợp cả phần boong và máy) được phân theo hai cấp độ: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn Thuyền trưởng du thuyền Hạng 2: cho phép điều khiển du thuyền có chiều dài lớn nhất không quá 15m hoạt động tại Hồng Kông; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn Thuyền trưởng du thuyền Hạng 1: cho phép điều khiển bất kỳ loại du thuyền nào hoạt động tại Hồng Kông.

Còn tại Singapore có 2 hạng chứng chỉ điều khiển du thuyền, bao gồm: Powered Pleasure Craft Driving Licence - PPCDL: người được cấp chứng chỉ được phép điều khiển du thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 24m hoạt động trong vùng nước cảng biển Singapore; Advanced Powered Pleasure Craft Driving Licence - APPCDL: người được cấp chứng chỉ được phép điều khiển du thuyền có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên hoạt động trong vùng nước cảng biển Singapore.

Tại Na Uy, quốc gia sở hữu đường bờ biển dài cũng như số lượng lớn người tham gia các hoạt động giải trí, du lịch trên mặt nước, giấy phép điều khiển du thuyền sẽ do Cục Hàng hải Na Uy cấp theo độ tuổi. Lái tàu cần giấy phép vận hành nếu điều khiển phương tiện có chiều dài vượt quá 8m và động cơ từ 25 mã lực (HP) trở lên ở vùng biển Na Uy nếu sinh từ năm 1980 trở lại đây. Người sinh trước năm 1980 không cần giấy phép nhưng một số công ty cho thuê du thuyền có thể vẫn yêu cầu người điều khiển phương tiện phải có.

Tại Hà Lan, giấy phép lái tàu, thuyền là yêu cầu bắt buộc khi điều khiển thuyền máy có thể đạt tốc độ 20 km/h hoặc có chiều dài từ 15m trở lên. Có 2 loại giấy phép, Vaarbewijs I cho điều khiển ở sông, kênh, hồ nhỏ và Vaarbewijs II cho vùng biển.

Còn ở Ý, giấy phép lái tàu do Cảng vụ cấp là bắt buộc khi điều khiển tất cả các phương tiện đẩy hơn 22,37 kW(30 HP).

Tây Ban Nha có 4 loại giấy phép khác nhau tùy động cơ và chiều dài của phương tiện. Giấy phép là điều kiện bắt buộc khi điều khiển thuyền buồm có chiều dài trên 5m hoặc thuyền máy có công suất tối đa vượt quá 11,03 (15 HP) và dài 4m trở lên.

Ở Pháp, phải có giấy phép khi điều khiển thuyền máy với công suất động cơ lớn hơn 6 HP (4,5 kW), thuyền buồm không cần giấy phép. Giấy phép được chia làm 2 loại, trong phạm vi 6 dặm từ bờ biển và xa hơn 6 dặm từ bờ biển.

Quy định về an toàn hàng hải

Theo công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), bên cạnh những tiêu chuẩn về thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, tất cả tàu khách thực hiện các chuyến đi quốc tế phải trang bị: các phương tiện cứu sinh vô tuyến (thiết bị điện thoại vô tuyến VHF hai chiều, các thiết bị định vị tìm kiếm và cứu hộ), pháo sáng báo lâm nguy, hệ thống báo động và liên lạc trên tàu, hệ thống truyền thanh công cộng trên tàu, xuồng cứu sinh, bè cứu sinh, các phương tiện cứu sinh cá nhân như: phao tròn, áo phao cứu sinh, quần áo bơi…

Theo công ước, tiêu chuẩn của các phương tiện cứu sinh cá nhân được quy định cụ thể. Chẳng hạn như phao tròn phải được đặt cả hai bên tàu, có thể tháo được, một nửa số phao phải có đèn tự sáng, một số phải có đèn báo khói…; ngoài ra, phao cứu hộ phải được đánh dấu bằng các chữ cái viết tắt với tên và cảng đăng kiểm của con tàu mang phao. Số lượng phao cứu sinh phải đảm bảo như sau: tàu có chiều dài dưới 60m phải có tối thiểu 8 phao cứu sinh, 60 - 120m là 12 phao, 120 - dưới 180m là 18 phao, 180m – dưới 240m là 24 phao và từ 240m trở lên là 30 phao.

Mỗi người trên tàu phải được trang bị một phao áo cứu sinh theo quy định, đồng thời mỗi tàu khách phải trang bị thêm các phao áo cứu sinh cho không dưới 5% tổng số người trên tàu. Bên cạnh đó, phải cung cấp đủ số lượng áo phao cho trẻ em và trẻ sơ sinh theo quy định.

Quần áo bơi hoặc bộ quần áo bảo vệ kín có kích thước thích hợp phải được cung cấp cho mỗi người được chỉ định lái xuồng cấp cứu hoặc giao cho hệ thống sơ tán hàng hải.

Bên cạnh đó, trên phương tiện phải có đủ số người được đào tạo để tập trung vàgiúpđỡnhữngngươìkhôngđượcđàotạo;cũngnhưphảicóđủsốthuyềnviênđể điều khiển phương tiện cứu sinh và di rời tổng số người trên tàu.

Công ước cũng nêu rõ các tiêu chuẩn về việc huấn luyện đối với thuyền viên. Theo đó, mỗi thành viên của đoàn thủy thủ phải tham gia ít nhất một buổi huấn luyện rời tàu và một buổi huấn luyện khi có hỏa hoạn mỗi tháng. Các buổi huấn luyện của đoàn thủy thủ diễn ra trong vòng 24 giờ khi con tàu rời khỏi cảng, nếu trên 25% thủy thủ đoàn không tham gia huấn luyện rời tàu và huấn luyện khi có hỏa hoạn trên tàu đó vào tháng trước. Khi tàu khởi hành lần đầu tiên, sau khi thay đổi một số đặc điểm chính hoặc khi một thủy thủ mới tham gia, các buổi huấn luyện phải được tổ chức trước khi khởi hành.

Bình Minh - Linh Nguyễn

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thuc-trang-quan-ly-khai-thac-du-thuyen-o-viet-nam-ky-3-cac-nuoc-quan-ly-the-nao-183250108130756332.htm
Zalo