DDCI 2024: Sự 'bứt phá ngoạn mục' của Lạng Sơn
Năm 2024, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Lạng Sơn trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và những yêu cầu ngày càng cao về đổi mới từ nội tại, Lạng Sơn đã chủ động thích ứng, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.
Trong năm vừa qua, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm cao, Lạng Sơn đang từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hướng tới một tương lai phát triển bền vững thông qua việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, Lạng Sơn đã và đang tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiện đại và minh bạch thông qua các nỗ lực cải thiện cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Với chủ đề hành động "Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá", kinh tế - xã hội Lạng Sơn năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự kiến đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu kế hoạch, kinh tế phát triển đồng bộ, đời sống nhân dân ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện.
Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,01% trong năm 2024. Trong đó, nông lâm nghiệp tăng 2,78%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%, dịch vụ tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế, về nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,51%; công nghiệp - xây dựng 23,71%; dịch vụ 50,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,1 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.732,7 tỷ đồng, đạt 143,4% dự toán, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương 19.078,9 tỷ đồng, đạt 115,1% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ.
Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển với hiệu suất xuất nhập khẩu cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 66,9 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu hàng địa phương 169 triệu USD, tăng 8,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 0,59% so với năm 2023; thành lập mới 3 cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 10 cụm. Khởi công nhiều dự án năng lượng như Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II, Thủy điện Tràng Định 2. Đưa Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng phát điện thương mại.
Sản xuất nông nghiệp đạt kế hoạch. Diện tích cây trồng có giá trị kinh tế được mở rộng. Chăn nuôi phát triển ổn định. Trồng rừng đạt 110% kế hoạch, tỷ lệ cho phủ rừng đạt 64,1%. Có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hoạt động thương mại phát triển ổn định theo đúng định hướng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 37.392,2 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi với các hoạt động du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, lượng khách quốc tế dần phục hồi và tăng mạnh. Tổ chức thành công các chương trình văn hóa, du lịch như Lễ hội hoa đào Xứ Lạng, thu hút đông đảo khách tham quan, tăng nguồn thu từ du lịch. Tổng lượng khách du lịch và doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2024, tổng lượng khách du lịch ước đạt 4,21 triệu lượt, tăng 7,6% so với năm 2023, đạt 103,8% kế hoạch. Doanh thu du lịch ước đạt 4.350 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2023, đạt 101,2% kế hoạch. Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 105% kế hoạch Trung ương giao, đạt 93,2% kế hoạch đại phương triển khai. Khởi công nhiều dự án quan trọng như: Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn… Đã đăng ký thành lập mới 1.200 doanh nghiệp, đạt 200% kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 9.620 tỷ đồng, tăng 58%. Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là công nghiệp và thương mại biên giới.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, tỉnh Lạng Sơn cũng đạt được nhiều giải thưởng cấp quốc gia đáng như chú ý, như: Lạng Sơn được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với các mô hình tiêu biểu như Tổ công nghệ số cộng đồng và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X; Giải Tập thể xuất sắc cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư. Những thành tựu này đã làm nổi bật năm 2024 như một cột mốc quan trọng, khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh Lạng Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Việc triển khai Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố (DDCI) năm 2024 tại Lạng Sơn không chỉ là một hoạt động thường niên mà còn là là một cam kết của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. DDCI không chỉ là một công cụ quản lý hiện đại mà còn là một cầu nối để doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp ý kiến, cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống người dân.
Năm 2024, đã ghi dấu năm thứ 8 tỉnh Lạng Sơn thực hiện đánh giá DDCI. Thông qua việc triển khai DDCI như một công cụ đánh giá vô cùng hữu ích, tỉnh Lạng Sơn sẽ được cung cấp những dữ liệu thực tiễn để xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình điều hành của các cơ quan quản lý Sở, ban ngành và địa phương. Từ đó, xây dựng những giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo báo cáo DDCI Lạng Sơn năm 2024 do Công ty CP Công nghệ Hải Nam là đơn vị tư vấn độc lập được lựa chọn thực hiện, qua đó cho thấy kết quả của sự đồng hành, đóng góp ý kiến chân thành, khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là một bản đánh giá khách quan về năng lực quản lý của các cơ quan Nhà nước mà còn là một tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi hơn hướng tới mục tiêu chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, góp phần xây dựng một Lạng Sơn giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.