Thực tiễn kiểm chứng nhân tài, chỉ ra người yếu kém chứ không phải bằng cấp

Bằng cấp dù là Thạc sĩ hay Tiến sĩ vẫn chỉ là một điều kiện đủ cho việc quy hoạch, phê chuẩn cán bộ hoặc đáp ứng yêu cầu vị trí, nhiệm vụ công tác; thực tiễn mới là môi trường kiểm nghiệm nhân tài và 'phơi bày' người yếu kém sau đó.

Trước yêu cầu đổi mới của hệ thống chính trị và đòi hỏi của thực tiễn, việc xây dựng nền công vụ công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại càng trở nên bức thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Một bộ máy công quyền tốt là minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện có hiệu quả chủ trương về đổi mới hệ thống chính trị mà Đảng ta đã đề ra trong nhiều kỳ Đại hội.

Thời gian gần đây, Chính phủ có nhiều giải pháp, áp dụng nhiều ứng dụng mới về khoa học và công nghệ vào công tác quản trị, đặc biệt là bộ phận một cửa, cổng dịch vụ công quốc gia, các cải tiến trong thủ tục xuất nhập khẩu, đăng ký, đăng kiểm, kê khai và thu thuế...

Những thành tựu đó được người dân trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Và hình ảnh, uy tín đối với một Chính phủ kiến tạo, phục vụ tạo dấu ấn tốt đẹp, niềm tin và sự ủng hộ của các nhà đầu tư, các đối tác nước ngoài đối với Việt Nam ngày càng chắc chắn.

Nhưng thực tế ít nhiều đang phản ánh chất lượng công tác, năng lực phục vụ và thái độ với công việc của công chức, viên chức trong nền hành chính vẫn chưa tương xứng với nhịp điệu và yêu cầu trong tình hình mới.

Theo số liệu Bộ Nội vụ thống kê, tính đến hết năm 2021, nước ta có gần 60.000 người có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ trên tổng số 233.219 công chức. Đây là những con số rất đáng chú ý, cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được đào tạo bài bản hơn.

Tuy nhiên, như ông Roger Tan, Trợ lý Giám đốc điều hành, Trường Công vụ Singapore cảnh báo, “trình độ công chức đang trở nên lỗi thời với tốc độ ngày càng nhanh, 5 năm sau tốt nghiệp, những gì được học trong trường đại học có thể coi là lỗi thời. Vì vậy, công chức cần học hỏi những kỹ năng mới, chuyên môn mới”.

Và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Quản trị đất nước tốt rằng: “Con người là chủ thể tạo nên sự đổi mới. Muốn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của nền công vụ thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, học hỏi hơn. Vì vậy, Việt Nam rất coi trọng đào tạo cán bộ, công chức cho nền công vụ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, “công tác đào tạo và bố trí cán bộ phải động và mở trên cơ sở quy hoạch”. Tại các cơ quan công quyền, chúng ta đều thấy nhiều nơi rất tạo điều kiện cho việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cán bộ công chức và nguồn kinh phí dành cho công tác này cũng tương đối được quan tâm.

Những chuyến đi thực tập, thực tế trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước được triển khai ở một số cơ quan nhà nước. Tuy vậy, sẽ là hình thức nếu coi đây như một cơ hội hoặc chương trình giải ngân, tiện thể du lịch thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.

Tiếp theo về nội dung chương trình, giảng viên lên lớp tập huấn ở một số nơi, một số chỗ chưa đặc sắc, chưa đổi mới. Những kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ không thể lâu lâu mới cập nhật một lần.

Các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính… hiện tại vẫn mang tính lý luận, hàn lâm, trong khi khoa học hành chính hiện nay đa dạng và liên ngành hơn chúng ta tưởng. Đó là những tri thức tổng hợp của xã hội học, quản trị công, chính sách công, chính trị học…

Với sự thay đổi nhanh chóng về tình hình kinh tế - xã hội của bối cảnh mới thì việc học tập và rèn luyện để nâng cao bản lĩnh, năng lực của công chức cần được tiến hành thực chất và thường xuyên hơn nữa.

Bằng cấp dù là Thạc sĩ hay Tiến sĩ vẫn chỉ là một điều kiện đủ cho việc quy hoạch, phê chuẩn cán bộ hoặc đáp ứng yêu cầu vị trí, nhiệm vụ công tác. Nó không đảm bảo cho người cán bộ có một khả năng thiên biến, vạn hóa đối với các công việc, sự kiện của cuộc sống và công việc.

Do vậy, thực tiễn là môi trường kiểm nghiệm chắc chắn nhất cho một người có năng lực và "phơi bày" những người yếu kém sẽ bị sau đó. Song song với quá trình “nâng cấp” nhân sự của mình, Bộ Nội Vụ đang chú trọng hơn nữa trong việc đổi mới luật lệ, quy chế, quy định về văn hóa và môi trường tại các cơ quan công quyền để những người tài, những cán bộ tâm huyết gắn bó, công hiến cho bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến cải cách tiền lương, thưởng đủ sức hấp dẫn để thu hút nhân tài và giữ chân người có năng lực gắn bó, tâm huyết và làm hết mình vì một nền công vụ hiện đại, hiệu quả như mong muốn của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đặt ra tại Hội nghị những Người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN.

Cù Văn Trung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuc-tien-kiem-chung-nhan-tai-chi-ra-nguoi-yeu-kem-chu-khong-phai-bang-cap-2046766.html
Zalo