Thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo
Bà Nguyễn Linh Kha, Phó vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho hay, quyền không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại, Bộ Công an tổ chức Hội thảo Giới thiệu về Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Công an nhấn mạnh, ngay sau khi trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn vào ngày 17/3/2015, Việt Nam có nhiệm vụ thực thi các nhiệm vụ theo Công ước. Một trong các nhiệm vụ đó là xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn.
Bộ Công an đã 3 lần nộp Báo cáo lên Ủy ban Công ước, trong đó báo cáo gần nhất là Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. Hiện nay, Việt Nam đang chờ đợi Ủy ban thông báo về việc trình bày và bảo vệ báo cáo này.
Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết của thành viên Công ước chống tra tấn.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Báo cáo quốc gia lần thứ hai và nghiên cứu đảm bảo quyền con người trong quá trình thực thi Công ước chống tra tấn cũng rất quan trọng nhằm giúp phổ biến nội dung Công ước và các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi Công ước.
Với tư cách là cơ quan chủ trì trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn, đây cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu về Báo cáo đánh giá chống tra tấn duyệt cho Việt Nam.
Thông qua hội thảo này sẽ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan tổ chức để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong thời gian tới.
Nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến phòng, chống tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo
Theo bà Nguyễn Linh Kha, Phó vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp, quyền không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự…
Từ năm 2015 đến nay, nhiều đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, có Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Tố cáo năm 2018.
Bà Nguyễn Linh Kha cho rằng, Bộ luật hình sự đã được sửa đổi để phù hợp hơn với quy định của Công ước chống tra tấn. Dù chưa có quy định riêng về tội tra tấn, nhưng hiện nay, tất cả các hành vi có tính chất tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người theo tinh thần của Công ước đều bị coi là tội phạm.
Nạn nhân của hành vi tra tấn còn có thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 584, Điều 361), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 31), Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (Điều 4), Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 76)…
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an, trong thời gian tới, tình hình an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ tiềm ẩn nhiều yếu tố, tính chất phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm, số đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt vào cơ sở tạm giữ có chiều hướng gia tăng…
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước luôn xác định vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người là một trong những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược trong quá trình xây dựng, phát triển, đổi mới, hội nhập quốc tế.