Thực hư việc Nga đề nghị Indonesia cho phép triển khai máy bay quân sự tầm xa

Nếu được triển khai từ một căn cứ ở Indonesia, Không quân Liên bang Nga có khả năng tiến hành các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đối với các cuộc tập trận của Australia, thu thập dữ liệu về các cơ sở quân sự có sự hiện diện của quân đội Mỹ Mỹ ở Bắc Australia như Darwin hay Tindal, thậm chí theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ ở Guam.

Máy bay ném bom Tu-95MS của Nga trong một cuộc diễn tập ở nước này ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Máy bay ném bom Tu-95MS của Nga trong một cuộc diễn tập ở nước này ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tạp chí tình báo quốc phòng Janes ngày 14/4 dẫn nguồn tin riêng từ chính phủ Indonesia cho biết Liên bang Nga đang tìm cách sử dụng Căn cứ Không quân Manuhua ở đảo Biak thuộc tỉnh cực Đông Papua của Indonesia để bố trí các khí tài không quân tầm xa. Đề xuất này được Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Seigei Shoigu đưa ra vào tháng 02 vừa qua trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin.

Trong đề xuất của mình, Moskva (Moscow) mong muốn triển khai một số máy bay quân sự tầm xa tại Căn cứ Không quân Manuhua, nơi sử dụng chung đường băng với Sân bay Quốc tế Frans Kaisiepo. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Indonesia đang tiến hành tham vấn các bộ ngành khác về đề xuất của phía Nga.

Sau khi thông tin nêu trên loan đi, theo báo The Guardian của Anh, khi trả lời báo chí hôm 15/4, người phát ngôn Điện Kremlin đã từ chối bình luận với lý do có nhiều thông tin giả mạo.

Trả lời phỏng vấn kênh ABC News của Australia chiều 16/4, Đại sứ Liên bang Nga tại Indonesia, ông Seigei Tonchenov cũng không xác nhận hay phủ nhận thông tin đăng tải trên tạp chí Janes, thậm chí còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga và Lực lượng Vũ trang Indonesia trong đó có hợp tác giữa Không quân hai nước.

Ông Tonchenov cho rằng sự hợp tác này nhằm tăng cường năng lực phòng phủ của cả hai bên, không nhắm vào bất cứ quốc gia thứ ba nào và không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phía Indonesia, theo kênh ABC News của Australia, tới nay, cả Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Indonesia đều chưa lên tiếng công khai về thông tin Liên bang Nga đề nghị Indonesia cho phép triển khai máy bay quân sự tầm xa ở Căn cứ Không quân Manuhua.

Tuy nhiên, vào ngày 15/4, theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, qua trao đổi, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin đã đảm bảo với ông rằng Jakarta sẽ không cho phép điều đó xảy ra.

Còn vào hôm 16/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia nói rằng khi kiểm tra biên bản làm việc với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Seigei Shoigu thì không thấy ghi chép về nội dung mà tạp chí Janes đăng tải và ông không biết thông tin mà tạp chí Janes đăng tải xuất phát từ đâu.

Vậy thực hư việc Liên bang Nga đề nghị Indonesia cho phép triển khai máy bay quân sự tầm xa ra sao?

Máy bay ném bom Tu-95MS tham gia một cuộc diễn tập tại Nga ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Máy bay ném bom Tu-95MS tham gia một cuộc diễn tập tại Nga ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo tạp chí The Conversation, tăng cường hiện diện, phô trương sức mạnh trong khu vực là mong muốn của Liên bang Nga. Hiện nay, Điện Kremlin nhận thức rõ rằng châu Âu không phải là đối tác thân thiện trong tương lai gần, cho nên càng cảm thấy cần thiết phải khẳng định vai trò ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và điều này kéo theo sự kiện diện về quân sự và an ninh.

Đối với Indonesia, kể từ khi ông Prabowo Subianto nhậm chức Tổng thống Indonesia vào tháng 10 năm ngoái, Jakarta cũng tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quân sự với Moskva. Trên thực tế, hai nước đã tổ chức cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên chỉ một tháng sau khi ông Prabowo nhậm chức. Trước đó vào năm 2017, Liên bang Nga từng điều hai máy bay Tu-95 tới Manuhua, sau đó cất cánh từ đây trong một chuyến bay dường như nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo.

Ngoài ra, nếu được triển khai từ một căn cứ ở Indonesia, Không quân Liên bang Nga có khả năng tiến hành các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đối với các cuộc tập trận của Australia, thu thập dữ liệu về các cơ sở quân sự có sự hiện diện của quân đội Mỹ Mỹ ở Bắc Australia như Darwin hay Tindal, thậm chí theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ ở Guam.

Vì vậy, việc Liên bang Nga đề nghị Indonesia cho phép triển khai máy bay quân sự tầm xa ở Căn cứ Không quân Manuhua, nơi cách Căn cứ Darwin ở Australia khoảng 1.300 km là có thể hiểu được. Hơn nữa, thông tin lại được tạp chí Janes, một cơ quan báo chí uy tín trong lĩnh vực tin tức quốc phòng. Vì vậy, rất có khả năng phía Nga đã đưa ra đề xuất liên quan, nhưng ở cấp thấp hơn.

Đối với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Sjamsoeddin với người đồng cấp Australia Marles rằng các báo cáo về đề xuất của Nga là không đúng sự thật, theo chuyên trang quân sự Bulgarian Military, việc này chỉ nhằm tránh làm phật lòng Canberra - một đối tác khu vực quan trọng của Indonesia (năm 2024 đã ký với Indonesia thỏa thuận hợp tác quốc phòng). Đây có thể là nguyên nhân đằng sau việc Indonesa không chính thức lên tiếng phủ nhận.

Cho dù Liên bang Nga có đề nghị, nhưng theo chuyên trang quân sự Army Recognition, bó đặt ra bài toán rất phức tạp với Indonesia. Về chính thức, Jakarta vẫn duy trì chính sách đối ngoại “độc lập và tích cực” lâu đời, phản đối việc liên kết với bất kỳ khối quyền lực lớn nào. Hiến pháp Indonesia nghiêm cấm việc thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước này.

Năm 2020, Jakarta đã từ chối đề xuất của Mỹ về việc sử dụng các sân bay của họ cho máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon, cho thấy rõ lập trường chống lại việc hiện diện quân sự nước ngoài lâu dài. Các nghị sĩ Indonesia, bao gồm cả Thiếu tướng về hưu TB Hasanuddin, gần đây đã tái khẳng định lập trường này và cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Moskva sẽ vi phạm luật pháp Indonesia và làm suy yếu tính trung lập của đất nước.

Ngoài ra, việc cho phép máy bay ném bom tầm xa của Liên bang Nga đồn trú lên đất Indonesia rõ ràng là một quyết định rủi ro về chính trị và gây tranh cãi về chiến lược. Nó có thể khiến Indonesia xa rời các đối tác trong khu vực như Australia và Singapore, làm leo thang căng thẳng với Mỹ, và có thể khiến nước này phải đối mặt với các biện pháp trả đũa ngoại giao hoặc kinh tế.

Quan trọng nhất, điều đó có thể làm tổn hại đến uy tín của Indonesia với tư cách là một bên trung lập trong khu vực ngày càng bị chi phối bởi cạnh tranh giữa các cường quốc.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thuc-hu-viec-nga-de-nghi-indonesia-cho-phep-trien-khai-may-bay-quan-su-tam-xa-20250418201917220.htm
Zalo