Thực hư nằm ngủ cũng có tiền nhờ bán tín chỉ carbon thu cả triệu USD

Theo chuyên gia, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường carbon, Nhà nước cần hướng dẫn chi tiết hơn nữa để doanh nghiệp hiểu rõ về các quy trình đăng ký dự án tạo tín chỉ carbon.

Thời gian qua, những thông tin như “Bà con trồng dừa Bến Tre nằm ngủ cũng có tiền nhờ bán tín chỉ carbon” hay “đề án 1 triệu hecta lúa phát thải có thể thu về 100 triệu USD...” cho thấy tiềm năng lớn của thị trường tín chỉ carbon Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư và bán tín chỉ carbon thu về hàng triệu USD có dễ dàng hay không?

Trao đổi với Pháp Luật TPHCM về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, Đánh giá viên quốc tế của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - Chuyên gia tư vấn về thị trường carbon nhấn mạnh: " Tín chỉ carbon vẫn còn là một chủ đề mới mẻ".

Nhiều chủ đầu tư tín chỉ carbon không biết bắt đầu từ đâu

. Phóng viên:Thưa ông, thời gian qua thông tin Việt Nam thu về hàng chục triệu USD từ bán tín chỉ carbon khiến nhiều người quan tâm muốn đầu tư. Vậy ông có thể chia sẻ gì về thông tin này?

+ Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam: Trước hết, thông tin Việt Nam thu về hàng chục triệu USD từ bán tín chỉ carbon là chưa chính xác lắm. Hiện mới chỉ có duy nhất một chương trình lớn của Việt Nam nhận được khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD cho việc giảm lượng phát thải khí nhà kính đã được thẩm định nhằm giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng (cơ chế REDD+).

Tuy nhiên, đây chưa thể coi là một dự án tạo tín chỉ carbon hoàn chỉnh đúng nghĩa theo thông lệ quốc tế nếu so sánh với các dự án tạo tín chỉ carbon theo Cơ chế phát triển sạch (đã kết thúc năm 2020) hay Tiêu chuẩn carbon được thẩm định Verra (VCS), Tiêu chuẩn Vàng (GS).

Các dự án theo các cơ chế như trên tại Việt Nam mới có thống kê về mặt số lượng đăng ký (với 100 dự án), nhưng chưa từng có thống kê về giá trị tài sản của các tín chỉ carbon đang lưu hành.

 TS Nguyễn Phương Nam

TS Nguyễn Phương Nam

. Như ông đề cập thì để bán tín chỉ carbon doanh nghiệp, nhà đầu tư...cần phải tạo dự án tín chỉ carbon khá phức tạp?

+ Trên thế giới hiện nay có nhiều cơ chế, khá phức tạp, nhiều khi các nhà phát triển dự án tại Việt Nam khó có khả năng tự thực hiện mà phải dựa vào đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Mặt khác, hiện nay rất nhiều chủ đầu tư tín chỉ carbon tại Việt Nam loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì để có được một dự án tạo tín chỉ carbon hợp pháp hay dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon có giá trị cao trong tương lai.

Điều này xuất phát từ thực tế có nhiều thông tin lẫn lộn, thậm chí mâu thuẫn do đến từ những chia sẻ “miễn phí” trên thị trường. Vì vậy, tôi có thể khái quát ngắn gọn quy trình có được tín chỉ carbon bao gồm năm bước.

Thứ nhất, doanh nghiệp lựa chọn dự án tiềm năng để phát triển, lựa chọn cơ chế tạo tín chỉ carbon phù hợp. Thứ hai là thiết kế dự án. Thứ ba là nộp hồ sơ đăng ký dự án gồm các văn kiện thiết kế dự án chi tiết kèm theo để có được mã số đăng ký dự án (PIN) theo cơ chế đã lựa chọn.

Thứ tư là gửi hồ sơ dự án cho một bên thứ ba có đủ năng lực, thẩm quyền thẩm định để thẩm định kết quả ước tính lượng tín chỉ carbon tạo thành trên thực tế và chờ ý kiến thẩm định gửi đơn vị có thẩm quyền cấp tín chỉ carbon. Cuối cùng, doanh nghiệp nhận thư phát hành có được lượng tín chỉ carbon của dự án để có thể tiến hành trao đổi, mua bán trên thị trường.

Nhìn chung, thời gian từ lúc doanh nghiệp đăng ký dự án đến lúc nhận thư phát hành của đơn vị có thẩm quyền cấp tín chỉ carbon mất từ một năm đến ba năm.

. Theo ông, tại Việt Nam lĩnh vực nào tiềm năng doanh nghiệp nên tập trung đầu tư dự án tín chỉ carbon?

+ Các loại dự án tạo tín chỉ carbon rất đa dạng. Trên thế giới cũng như Việt Nam, dự án tạo tín chỉ carbon phổ biến hiện nay là dự án trồng rừng, dự án bảo tồn và làm giàu trữ lượng rừng.

Vận hành dự án tạo ra năng lượng từ tấm pin quang điện, từ tuabin gió hay vận hành dự án xử lý chất thải rắn. Sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự án than củi...

Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hàng hóa giao dịch trên thị trường này gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Giai đoạn 2025-2028, triển khai thí điểm trên toàn quốc, chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài, chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc...

 Doanh nghiệp chuyển đổi xanh trong sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh trong sử dụng điện mặt trời mái nhà. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý minh bạch và đồng bộ

.Theo Thỏa thuận Paris đã được các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thống nhất để thực hiện, có rất nhiều thứ liên quan đến thị trường carbon. Vậycác nhà đầu tư tín chỉ carbon tại Việt Nam đang quan tâm điều gì thưa ông?

+ Cho đến nay, sự quan tâm của nhà đầu tư tới tín chỉ carbon tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ nhưng họ gặp nhiều rào cản về mặt thông tin, về kỹ thuật liên quan đến kiểm kê khí nhà kính. Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của dự án.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đang cố gắng sớm tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện để bổ sung cho nỗ lực giảm phát thải nội bộ. Vì vậy, các công ty đang tìm cách mua và sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững, cũng như để đảm bảo tính tuân thủ, yêu cầu về hạn ngạch phát thải khi Việt Nam thí điểm vận hành thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025.

. Dự kiến năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm vận hành thị trường carbon, điều này được kỳ vọng là hành lang pháp lý ban đầu để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia?

+ Đó là điều kiện cần. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường carbon, Nhà nước cần hướng dẫn chi tiết hơn nữa để doanh nghiệp hiểu rõ về các quy trình đăng ký dự án tạo tín chỉ carbon. Thủ tục đăng ký dự án tín chỉ carbon, hình thức xác nhận tín chỉ carbon, cách thức tham gia.

Bên cạnh đó, thông tin Đề án triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước giai đoạn 2022-2030 do Bộ Tài chính chủ trì theo nhiệm vụ của Quyết định 888/2022/QĐ-TTg vẫn chưa được rõ ràng.

Trong khi đây được coi là điều kiện đủ để doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nắm và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, đến thời điểm này chỉ còn hơn một tháng nữa bước sang năm 2025, nhưng “tín chỉ carbon” vẫn còn là một chủ đề mới mẻ.

. Vậy theo ông, trong giai đoạn thí điểm này Nhà nước cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp để thị trường tín chỉ carbon Việt Nam hình thành rõ nét?

+ Thị trường carbon nội địa tại Việt Nam dự kiến vận hành thí điểm vào năm 2025, hy vọng bước đầu tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp có tín chỉ carbon tham gia trao đổi. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp tham gia hiệu quả, thúc đẩy thị trường này hình thành rõ nét, thứ nhất Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý minh bạch và đồng bộ.

Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo các tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế như yêu cầu của UNFCCC. Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp...

Thứ hai, cung cấp các chương trình đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường tín chỉ carbon, các yêu cầu cần thiết khi tham gia thị trường này. Bên cạnh kiểm kê khí nhà kính, chuyển đổi xanh theo xu hướng ESG cũng là phương án khả thi giúp doanh nghiệp huy động được nguồn tài chính từ khu vực tư nhân.

Thứ ba là thúc đẩy hợp tác quốc tế để tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực, đồng thời đảm bảo các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam được công nhận trên thị trường toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng

Tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” mới đây, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, trong tổng cơ cấu phát thải khí nhà kính thì phát thải ở lĩnh vực nông nghiệp đứng thứ hai, xếp sau lĩnh vực phát thải lớn nhất là năng lượng (62%). Do vậy, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải có quan trọng rất lớn.

Trong lâm nghiệp, các đối tác quốc tế đang rất chú ý đến nước ta với tiềm năng về rừng. Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, tương đương 10,3 triệu tấn CO2 thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng.

Trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với WB và các đối tác triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 2 năm triển khai đã đạt được những kết quả rất tích cực.

“Để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT phối hợp Bộ NN& PTNT dần dần ra được tiêu chí hướng dẫn cụ thể để bà con thực hiện. Tôi mong rằng bà con nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ cùng nhau làm nên những vấn đề từ bỡ ngỡ trở nên quen thuộc”, ông Cường nhấn mạnh.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuc-hu-nam-ngu-cung-co-tien-nho-ban-tin-chi-carbon-thu-ca-trieu-usd-post821691.html
Zalo