Thực hiện toàn diện công tác phòng, chống dịch bệnh
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng thực hiện toàn diện công tác chuyên môn, qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt hoạt động. Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay thực hiện ra sao?
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm: Từ đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có nhận định, dự báo tình hình bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng có khả năng sẽ bùng phát và đã ban hành nhiều văn bản gửi các đơn vị tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để triển khai các biện pháp, đáp ứng kịp thời, phù hợp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện giám sát hoạt động tiêm chủng tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong công tác tiêm chủng thường xuyên, hoạt động tiêm bù, tiêm vét các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng năm 2023.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh điều tra, ghi nhận thông tin các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có phân độ nặng như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, các bệnh truyền nhiễm trẻ em cần giám sát như liệt mềm cấp, sốt phát ban nghi sởi, ho gà, viêm não vi rút… để lấy mẫu xét nghiệm. Trung tâm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát và triển khai các biện pháp phòng bệnh; thực hiện giám sát côn trùng sốt xuất huyết thường xuyên; giám sát hỗ trợ 10 địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, giám sát xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại những địa phương xảy ra ổ dịch, giám sát xử lý dịch tay - chân - miệng. Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng các kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm và triển khai các chỉ tiêu kế hoạch đến các huyện; thường xuyên giám sát số liệu trên hệ thống quản lý bệnh không lây nhiễm, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả đạt được như thế nào?
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm: Về hoạt động tiêm chủng đạt nhiều kết quả; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 57%, tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh 55,3% (đạt chỉ tiêu tiến độ 53,3%); sởi - rubella đạt 48,3%, bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đạt 58,1%, viêm não Nhật Bản mũi 2, viêm não Nhật Bản mũi 3, uốn ván phụ nữ có thai đạt chỉ tiêu tiến độ.
Hoạt động kiểm tra sức khỏe, sàng lọc một số bệnh không lây nhiễm, hoạt động phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp tiếp tục tăng cường thực hiện. Kết quả bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ em độ tuổi từ 6 - 35 tháng được uống trong chiến dịch bổ sung đợt 1 là 48.934/49.270 trẻ, đạt tỷ lệ 99,3%. Hoạt động theo dõi tăng trưởng trẻ dưới 2 tuổi định kỳ 3 tháng/lần ở 108/108 xã, phường, thị trấn thực hiện thường xuyên; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và bệnh mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh có chiều hướng giảm và đi vào ổn định; giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra.
Đến ngày 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue tích lũy là 1.273 trường hợp, giảm 2.467 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, số trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng 29 trường hợp, giảm 106 trường hợp so với năm 2023; số trường hợp mắc tay - chân - miệng tích lũy là 1.985 ca, giảm 1.292 trường hợp (44%) so với cùng kỳ năm 2023 (1652/2944), giảm 0,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh dại ghi nhận 1 trường hợp mắc dại và tử vong tại huyện Long Phú; ghi nhận 17 trường hợp sởi, không ghi nhận trường hợp tử vong, 2 trường hợp viêm não Nhật Bản, 1 trường hợp ho gà, 1 trường hợp rubella, 1 trường hợp đậu mùa khỉ.
Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe mang đến người dân thông tin, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong các hoạt động phòng, chống dịch.
Phóng viên:Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm: Công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt được một số kết quả đáng kể. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng mở rộng, triển khai hoạt động điều tra đối tượng và tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ ngay trong tiêm chủng thường xuyên. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp; tăng cường công tác dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức phù hợp. Song song đó, chúng tôi tiếp tục triển khai các đợt giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Phóng viên:Chân thành cảm ơn đồng chí!
HOÀNG PHÚC (Thực hiện)