Thực hiện tiêu chí quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 1 về quy hoạch và thực hiện quy hoạch có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để triển khai thực hiện các tiêu chí khác. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của các sở, ngành, đơn vị tư vấn, đến nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch.
Là đơn vị được giao phụ trách tiêu chí quy hoạch, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch. Đến nay, 100% số xã của tỉnh đã có đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, hoàn thành cắm mốc quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Mạnh Chiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Hiện nay, Sở đang đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức lập kế hoạch, danh mục các đồ án quy hoạch lập mới và chỉ đạo các xã rà soát, bổ sung, điều chỉnh đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch do nhân dân giám sát và thực hiện phù hợp định hướng kinh tế, xã hội của địa phương.
Tại xã Chiềng Xôm, cuối năm 2020, UBND thành phố Sơn La đã ban hành quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn của xã giai đoạn 2020-2030. Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, UBND xã đã tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng trái quy định, không có giấy phép, không theo quy hoạch, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích đất đai, lấn chiếm hành lang các trục đường giao thông. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của xã được mở rộng, với nhiều tuyến đường kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp”, hệ thống cống rãnh thoát nước tại các bản, tiểu khu cũng được quy hoạch chi tiết, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ, bảo đảm hài hòa về cảnh quan môi trường.
Việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện Mai Sơn và các xã trên địa bàn huyện thuận lợi trong triển khai các công trình hạ tầng cơ sở; nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Trên cơ sở định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, sự biến động do thay đổi địa giới hành chính và quá trình triển khai các dự án lớn, đã ảnh hưởng đến quy hoạch ban đầu về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch nông thôn mới đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, bố trí kinh phí để các xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, rà soát, bổ sung và điều chỉnh đồ án quy hoạch.
Theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án tổ chức khu vực nông thôn được cụ thể hóa, gồm: Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của tỉnh; phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của từng vùng, địa phương trong tỉnh. Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo hướng tập trung, gắn với các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chuyên ngành hoặc vùng nông nghiệp ngoại thành, ngoại thị.
Xây dựng nông thôn theo hướng cải tạo chỉnh trang các giá trị hiện hữu; đầu tư theo chiều sâu về hạ tầng dịch vụ kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Đối với trung tâm xã, bản cần đảm bảo không gian phù hợp cho sinh hoạt cộng đồng và bố trí đủ hạ tầng dịch vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với các điểm dân cư nông thôn cần được đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với sản xuất và sinh hoạt; cải tạo nhà ở kiên cố và bền vững hướng bảo tồn sắc thái truyền thống. Các khu vực sản xuất cần bố trí tiện lợi với các điểm dân cư theo nguyên tắc “gần tương ứng” đảm bảo việc di chuyển, canh tác.
Thực hiện tiêu chí quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở quy hoạch trên địa bàn xã, mà còn là sự gắn kết để phát triển có hệ thống, mang tính liên vùng. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, các địa phương rà soát, quy hoạch xây dựng nông thôn mới mang tính chiến lược, vừa tạo được sự kết nối, phù hợp với quy hoạch khác, vừa có tính kế thừa và phát huy những lợi thế ở địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.